Việc Trung Quốc không công nhận quyền tài phán của PCA, Giáo sư Grigory Lokshin, nhà Việt Nam học thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cho rằng, phán quyết được thông qua trong sự vắng mặt của các đại diện Trung Quốc và điều này không đi ngược với điều lệ của PCA.
Giáo sư Lokshin nói: “Thủ tục tố tụng của Toà án Quốc tế có cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng - Công ước Luật biển năm 1982. Tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, đã ký kết và phê chuẩn Công ước này, tức là văn kiện này có cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển. Phán quyết của tòa án trọng tài xác nhận những điều khoản quan trọng nhất của Công ước”.
Trong phán quyết dài gần 500 trang, Giáo sư Lokshin đặc biệt lưu ý đến hai vấn đề.
Thứ nhất, Toà án Trọng tài tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, và bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ hai, phán quyết xác định rõ ràng rằng, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các rạn san hô không thể được coi là vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm và lãnh hải 12 dặm.
Trung Quốc ra tuyên bố phản đối phán quyết, tuy nhiên, văn kiện của toà án quốc tế đã được thông qua và phán quyết phải được thực hiện.
Tuy toà án trọng tài The Hague không có cơ chế để ép buộc các nước phải thực hiện quyết định của mình, nhưng phán quyết của toà án có một ý nghĩa pháp lý, đạo đức và chính trị. Và việc từ chối thực hiện nó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho uy tín của Trung Quốc.
Theo Giáo sư Nga Lokshin, Bắc Kinh rất lo ngại về điều đó, hết sức cố gắng vận động dư luận ủng hộ quan điểm của họ không công nhận phán quyết của toà án trọng tài. Nhưng, vẫn không đạt được nhiều thành công.
Trong tình huống này, Trung Quốc sẽ hành động như thế nào? Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, Bắc Kinh có thể rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 1982. Theo Giáo sư Lokshin, điều này là không thể. Bởi vì công ước này có không chỉ những điều kiện bất lợi, mà cả những điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc.
Giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cho rằng, trong tương lai gần Philippines và Trung Quốc sẽ nối lại cuộc đàm phán song phương.
Trong mọi trường hợp, cuộc đàm phán luôn tốt hơn so với việc gia tăng tình hình căng thẳng. Bởi những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Theo Giáo sư người Nga, sau khi Tòa án Hague đưa ra phán quyết về Biển Đông, tình hình trong khu vực sẽ chưa thể ổn định lại hoàn toàn, nhưng phán quyết của PCA tạo những cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực.
Giáo sư Grigory Lokshin, nhà Việt Nam học thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga là người nghiên cứu rất nhiều về Việt Nam, về các vấn đề trên Biển Đông và từng có cuốn sách về Biển Đông.
Giáo sư Lokshin được mời tham gia nhiều Hội thảo liên quan tới Biển Đông và luôn đưa ra những ý kiến phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.