Giáo hoàng thăm Mỹ, ông Tập Cận Bình bị lu mờ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25/9. Ảnh: Kevin Lamarque
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25/9. Ảnh: Kevin Lamarque
TP - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đón tiếp bằng 21 phát đại bác khi đứng cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama ngoài Nhà Trắng hôm 25/9. Nhưng đối với người dân Mỹ, đó chỉ như màn trình diễn ngắn, khi mạng lưới tin tức nước này tràn ngập thông tin về chuyến thăm lịch sử của Giáo hoàng Francis, Reuters đưa tin.

Theo các nhà quan sát, báo chí nhà nước Trung Quốc tuyên truyền đậm về sự long trọng của lễ đón tiếp ông Tập Cận Bình. Nhưng tại Mỹ, ít nhất là trên báo chí nước này, chuyến thăm cấp nhà nước được coi là mang tính lịch sử của lãnh đạo Trung Quốc bị che mờ bởi chuyến thăm của vị giáo hoàng được rất nhiều người yêu mến và quan tâm. Điều này làm dấy lên câu hỏi về thời điểm chuyến thăm của ông Tập cũng như sự tương phản giữa báo chí Mỹ và Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Trong chuyến thăm một trường trung học ở thành phố Tacoma, gần thành phố Seattle, nơi ông Tập và phu nhân Bành Lệ Viện được chào đón bằng dàn hợp xướng của trường, truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh các học sinh reo hò vui mừng. Một ngày trước đó, ông Tập dẫn lại lời Martin Luther King và nhắc đến văn hóa nhạc pop Mỹ trong bài phát biểu trước giám đốc điều hành các tập đoàn công nghệ Mỹ. Báo chí Trung Quốc cũng nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân của ông Tập với nước Mỹ. Xinhua đăng một đoạn video trên trang Facebook (dù mạng xã hội này bị chặn ở Trung Quốc) ghi lại hình ảnh ông Tập thân thiện với người dân Mỹ. Đoạn video có tiêu đề tiếng Anh “Từ khách thăm Iowa đến khách của Nhà Trắng”, nói về chuyến thăm ngắn năm 1985 của ông Tập khi ông đang là một quan chức ngành chăn nuôi ở Hà Bắc - tỉnh kết nghĩa của bang Iowa (Mỹ).

Mạng lưới tin tức Mỹ theo sát từng bước chân và từng lời nói của người đứng đầu Tòa thánh Vatican tận đến lúc chuyến thăm của ông kết thúc hôm 27/9.

Buổi nói chuyện của Giáo hoàng lấn át bất kỳ sự chú ý nào dành cho chuyến thăm của ông Tập, theo số liệu của MediaMiser, hãng chuyên theo dõi tin tức và nội dung trên mạng internet, truyền hình và phát thanh. Từ ngày 26/8 đến 25/9, lượng tweet ở Mỹ về Giáo hoàng Francis dẫn đầu với 765.000, còn 107.000 về ông Tập. Các bài báo đăng trên mạng từ ngày 20 đến 24/9 đề cập Giáo hoàng nhiều gấp 4 lần so với ông Tập. Trên truyền hình, Giáo hoàng được nói đến nhiều gấp 25 lần. “Việc tương phản và bị lu mờ bởi ai đó không hề có sức mạnh quân sự, tôi nghĩ điều đó cực kỳ đáng kinh ngạc. Tôi không nghĩ người Trung Quốc chú ý đến sự đối ngược trong các thông điệp”, AP dẫn lời ông Jorge Guajardo, cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc giai đoạn 2007-2013.

Ngược lại, các quan chức Trung Quốc gạt bỏ điều này. “Về chuyến thăm của Giáo hoàng, chúng tôi thấy ông ấy được người dân chào đón. Chuyến thăm của ông ấy có ý nghĩa riêng. Chuyến thăm của ông Tập có ý nghĩa riêng”, CNN dẫn lời phát ngôn viên đoàn Trung Quốc Lục Khảng nói.

Chuyến thăm của ông Tập còn mờ nhạt hơn trên báo chí Mỹ sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner thông báo từ chức sáng 25/9. Các mạng tin tức lớn của Mỹ nhanh chóng cắt ngắn bài phát biểu của ông Tập tại cuộc họp báo với ông Obama để đăng tuyên bố của ông Boehner.

MỚI - NÓNG