TS Trần Trọng Dương: Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn

“Đường thi quốc âm cổ bản” do Nguyễn Xuân Diện, Trần Ngọc Đông (Sưu tập và biên dịch) bị tố “đạo”, trên thị trường sách hiện nay
“Đường thi quốc âm cổ bản” do Nguyễn Xuân Diện, Trần Ngọc Đông (Sưu tập và biên dịch) bị tố “đạo”, trên thị trường sách hiện nay
TP - Đó là cụm từ được Tiến sỹ Trần Trọng Dương đưa ra sau vụ ồn ào về liêm chính học thuật gần đây. Ông cho rằng “Ở Việt Nam còn một loại đạo văn, đáng chú ý gọi là đạo văn dưới gầm bàn. Hiện tượng này xuất hiện trong không ít các đề tài giải ngân từ ngân sách nhà nước. Các đề tài kiểu này được chi theo định mức, có kế hoạch và thực hiện không chỉ trong các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học mà còn trong nhiều cấp hành chính khác nhau”.

TS. Trần Trọng Dương nói tiếp: “Các loại đề tài đó được nghiệm thu kín, nội bộ, rất ít khi được đem xuất bản. Và các hội đồng này bao giờ cũng làm nội bộ với nhau, sau đó đút vào ngăn kéo. Lỗi này thuộc về hệ thống. Bởi vì không có thiết chế bắt buộc, sản phẩm nghiên cứu ấy không có sức ép phải công bố, thành ra người ta bao bọc cho nhau. Đề tài tôi qua thì tôi cũng cho đề tài anh qua, tất cả cùng nhau chèo thuyền giải ngân và huề cả làng. Vì anh giải ngân được thì tôi cũng phải giải ngân được. Tôi gọi đó là chuyện “Đạo văn dưới gầm bàn”. 

TS Trần Trọng Dương: Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn ảnh 1 TS. Trần Trọng Dương: Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn

Thời gian qua, một số tờ báo đã phản ánh về vụ đạo văn ồn ào ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhân vật bị phát hiện lần này chính là TS Nguyễn Xuân Diện - nghiên cứu viên cao cấp - Ủy viên của Hội đồng khoa học - Trưởng ban Thanh tra Nhân dân Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Sự việc cụ thể như sau: Đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tư liệu Hán Nôm”, do ông Nguyễn Xuân Diện làm chủ nhiệm đề tài, đã bị Hội đồng nghiệm thu lần thứ 2 “nhặt” ra vô số “sạn” với 38 đoạn văn bị “đạo” và 68 ảnh không chú nguồn.

“Nạn nhân” là các tác giả: Phùng Hồng Kổn 16 lần, Trang Thanh Hiền 16 lần, M. Durand 1 lần, Phan Cẩm Thượng 1 lần, Hà Tùng Long 1 lần, Nguyễn Hữu Mão 1 lần, Wikipedia 2 lần và tự đạo 1 lần. Trong Hội đồng Nghiệm thu lần 1, Hội đồng nghiệm thu cũng đã phát hiện 19 trang cắt dán trùng lặp (tự đạo văn) giữa 2 chuyên đề. Trong khi đó, theo Báo Nông nghiệp, một nhà khoa học khác đã chứng minh TS. Nguyễn Xuân Diện có “truyền thống đạo văn”, cụ thể trong cuốn “Đường thi quốc âm cổ bản” (2016, 2017) do Nguyễn Xuân Diện sưu tập và biên dịch có đến 197 bài sao chép phần dịch nghĩa đăng tải trên trang thivien.net và một số trang mạng khác với tỉ lệ trùng lặp từ 41% đến 100%.

“Kẻ cắp” sa lưới muộn màng, vì sao?

Qua hai vụ bắt lỗi đạo văn đã điểm ở trên, có thể thấy giới chuyên môn từ lâu đã ít nhiều nghi ngờ vấn đề liêm chính học thuật của TS, nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Xuân Diện. Nhưng tại sao, ở thời điểm này, sự việc mới được đưa ra ánh sáng? 

Theo TS. Trần Trọng Dương việc phát hiện và đưa ra ánh sáng là còn có sự nhất trí của cả hội đồng và những người làm việc thực sự trong cơ quan. Ông nói “Vạch ra lỗi của đương sự trong việc này nghĩa là mình đang nương theo pháp luật, theo cái đúng, theo cái liêm chính để  chống lại một truyền thống đạo văn đã được bảo kê vững vàng bởi cái quan niệm cố hữu “dĩ hòa vi quý” còn lẩn quất trong đời sống nghiên cứu và trong xã hội”.

Vậy, tại sao các nhà nghiên cứu khi  tấn công vào “tường thành” lại đặt tiêu điểm là Nguyễn Xuân Diện? Ông Dương cho biết “Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện vẫn luôn tự chứng tỏ ông là một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, bảo vệ di sản văn hóa cổ, là người giữ gìn truyền thống cha ông. TS Nguyễn Xuân Diện cũng là người hiểu rõ và đã nhiều lần lên tiếng và đấu tranh cho liêm chính học thuật. Anh từng phát biểu rằng đạo văn là một loại tội phạm kinh tế. Anh ấy nhận thức sâu sắc thế nào là đạo văn, mức độ nguy hiểm của đạo văn thế nào...

Nhưng trên thực tế, sản phẩm khoa học của anh có không ít các sạn đạo văn như chúng tôi đã chỉ ra. Kinh phí nghiên cứu khoa học là tiền thuế của dân, vì thế không được gian dối, nếu đã gian dối đến lần thứ hai và vẫn nhất định bao biện thì sẽ bị đưa ra ánh sáng. Đạo văn trong sách xuất bản là đạo văn trên mặt bàn, còn đạo văn trong đề tài khoa học ăn ngân sách nhà nước là đạo văn dưới gầm bàn”, nguyên văn ý kiến của TS. Trần Trọng Dương.

Tất nhiên, vị tiến sỹ 8x này cũng thừa nhận:  “Anh ấy phải thấy rằng: là một nghiên cứu viên (nhất là nghiên cứu viên cao cấp), thì làm việc nghiêm túc, có kết quả là thể hiện uy tín của mình đối với cơ quan, rộng hơn là trách nhiệm đối với xã hội và đất nước.  Miệng thì phê phán đạo văn là “tội phạm kinh tế” mà chính mình lại mắc đạo văn không chỉ một lần thì đó là chuyện không thể tưởng tượng được”. Để đưa việc đạo văn này ra ánh sáng, ngoài Trần Trọng Dương còn có nhiều nhà khoa học trong và ngoài viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng như các bạn đọc và những người ủng hộ khoa học và liêm chính học thuật.

Liêm chính học thuật, cần chế  tài?

Chúng tôi gọi điện cho TS. Nguyễn Xuân Diện, anh không muốn bàn sâu chuyện này: “Mọi việc đã xong xuôi rồi. Tôi đã trả lại tiền. Thôi nhé, tôi đang bận họp”. Kết nối với Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, TS. Nguyễn Tuấn Cường, chúng tôi được biết: “Viện đã xử lí theo qui chế quản lí khoa học của Viện Hàn lâm, qui chế hướng dẫn thế nào chúng tôi làm như thế. Theo qui chế, sẽ xuất toán một phần tiền tương ứng với phần việc không thực hiện được. Hội đồng thống nhất cho anh Diện nhận hết phần tạm ứng vì anh đã thực hiện được một phần công việc. Người ta thực hiện được bao nhiêu thì để người ta hưởng bấy nhiêu, chỉ thu lại phần lỗi của người ta thôi”. Giải pháp này vừa tuân thủ qui chế, vừa được sự tán thành của đương sự, mặc dù ban đầu nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Xuân Diện cũng “căng thẳng” nhưng sau đó “rất hợp tác”, theo “bật mí” của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

TS Trần Trọng Dương: Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn ảnh 2 Tháng 6 năm 2011, TS. Nguyễn Xuân Diện phát biểu: “Đạo văn là kẻ thù của khoa học chân chính”, “phải coi đạo văn như một loại tội phạm kinh tế”
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Đạo văn dưới gầm bàn” có diễn ra nhiều không? Viện trưởng trả lời rằng: “Khi ta chưa làm số liệu thống kê cụ thể thì không thể trả lời câu hỏi đó. Tuy nhiên, qua trường hợp này Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có đề xuất đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn và ban hành một qui chế về vấn đề liêm chính học thuật, giúp đỡ những người chưa hiểu về vấn đề liêm chính học thuật nói chung để họ tránh. Ta cũng cần thông cảm với nhiều người vì họ không để ý vấn đề đó”.  Trước câu hỏi của chúng  tôi: “Vậy, TS. Xuân Diện không để ý hay cố tình không để ý (vấn đề liêm chính học thuật)?”. TS. Nguyễn Tuấn Cường cười lớn: “Chắc cần một Ủy ban độc lập khác Viện Nghiên cứu Hán Nôm để xác nhận điều này”.
TS Trần Trọng Dương: Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn ảnh 3 TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm: Đề nghị biên soạn và ban hành qui chế về liêm chính học thuật
Qua ồn ào liêm chính học thuật, một bộ phận nhỏ dư luận đặt câu hỏi: Có hay không chuyện nội bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm lục đục, “đánh nhau”?  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định: “Theo quan sát của cá nhân tôi, các ý kiến đều xuất phát từ góc độ khoa học. Nếu có một ý tưởng nào đó theo thuyết âm mưu thì là một điều đáng tiếc và không nên suy diễn quá đà”.

Chiêu  “đánh bóng” của nhà nghiên cứu

Để có cái nhìn khách quan hơn về ồn ào liêm chính học thuật, chúng tôi trao đổi với một giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu cổ học. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: “Cái sự phát hiện ra vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm liêm chính học thuật thì chắc chắn là cậu ấy (tức TS. Nguyễn Xuân Diện) có rồi. Nói cụ thể hơn, về mặt năng lực,  cậu ấy chỉ là một nghiên cứu viên bình thường của ngành Hán Nôm thôi, không có gì xuất sắc hay nổi bật cả.

Nhưng cậu ấy tỏ ra là người dân chủ, đổi mới, từng tạo ra dư luận ồn ào. Trong xã hội dân sự thiếu hiểu biết thật sự, người ta lại thấy cậu ấy dám nói, dám nghĩ, dám đăng những bài bạo dạn trên những trang mạng của cậu ấy. Cho nên tạo ra một hệ thống fan trong xã hội. Nếu cậu ấy chỉ làm việc ấy thì kệ cậu ấy. Nhưng cậu ấy lại cũng muốn nổi tiếng về học thuật, nên cậu ấy cạy cục làm ra những công trình. So với giới nghiên cứu chuyên môn thuần túy thì đám này không ưa cậu ấy. Vì đám này làm thật, làm đến nơi đến chốn, làm triệt để luôn”.

Trong giới nghiên cứu, những nhà nghiên cứu thiếu thực lực nhưng khoác chiếc áo quá rộng, có nhiều hay không, chúng tôi hỏi vị giáo sư đã đào tạo rất nhiều thế hệ học trò. Không ngại ngần, ông nói: “Nhiều đến mức cấp cao nhất, tôi đã nói chục năm nay về vấn đề này. Chúng ta đang có sự lạm dụng danh hiệu giáo sư”.

Muôn hình vạn trạng “đạo”

TS. Trần Trọng Dương nhận định: “Đạo văn không phải cái gì quá hiếm hoi. Vì Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn, không nhiều người quan tâm đến nó, vì vừa thiếu luật, vừa thiếu chế tài, vừa thiếu hiểu biết về đạo văn  cũng như các loại hình đạo văn”. Anh cung cấp về “tự đạo văn” như sau: “Một nhà nghiên cứu cũng như một nghệ sỹ, anh chỉ làm được một tác phẩm trong một lần và không bao giờ lặp lại tác phẩm ấy nữa. Nếu anh sáng tác được một bức tranh và bán lấy tiền rồi, hôm sau anh  vẽ lại một bức y thế, lại mang bán. Thế là phạm lỗi “tự đạo tranh”. Công việc của anh là sáng tạo ra các tác phẩm mới khác nhau, chứ không phải sản xuất hàng loạt như hàng tiêu dùng. Còn nếu một nhà nghiên cứu dùng một tác phẩm cũ chế lại, xào xáo lại ở những mức độ khác nhau (mà không hề trích dẫn chính mình), thì anh đang mắc tội tự đạo văn, mặc dù chính anh lao động tạo ra tác phẩm đó. Cụ thể, nếu anh làm một đề tài rồi nhận thù lao, xuất bản. Vài năm sau, anh thay tên nó đi, nhưng trong ruột phần lớn là đề tài cũ, thì như thế cũng là đạo văn. Xét khía cạnh kính phí là tiền thuế của dân, một sản phẩm mà ăn hai lần tiền là bất chính, là đạo văn, là vi phạm liêm chính học thuật”.

MỚI - NÓNG