Để đón đầu Chương trình GDPT 2018, một trong những việc mà ngành giáo dục cần triển khai trên toàn quốc là chuyển mạnh việc dạy và học chương trình hiện hành sang định hướng phát triển năng lực.
Hàng loạt vấn đề đặt ra trong việc làm thế nào để hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở GDPT làm quen với quản trị dạy học, giáo dục khi triển khai chương trình GDPT 2018; giúp giáo viên hiểu và làm quen với dạy học định hướng phát triển năng lực; giúp học sinh, đặc biệt là lứa cuối cấp, đang học chương trình hiện hành, làm quen với tinh thần của chương trình mới, để khi các em bước vào lớp đầu cấp học THCS (lớp 6) và THPT (lớp 10) trong các năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, khi chương trình 2018 được áp dụng vào lớp 6 và lớp 10 không bị bỡ ngỡ…
Theo TS. Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), những giải pháp của Bộ trong giai đoạn chuyển tiếp giữa chương trình hiện hành và chương trình GDPT 2018 bao gồm các nỗ lực đổi mới về kế hoạch dạy học, phương pháp dạy học, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá, cách tiếp cận điều kiện dạy học cũng như tổ chức quản lý quá trình dạy học, giáo dục.
TS. Chuẩn khẳng định, cần phải có sự chung tay của tất cả các lực lượng, đặc biệt các Sở GD&ĐT cần chỉ đạo quyết liệt, nếu lơi lỏng sẽ không tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ. Cần xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, rà soát, tinh giản, sắp xếp nội dung dạy học. Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh, tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận, vận dụng kiến thức.
Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, đánh giá qua quan sát các hoạt động trên lớp, qua hồ sơ học tập, vở, sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm. Làm bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Tăng cường chỉ đạo, quản lý dạy học, giáo dục thông qua sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. TS. Chuẩn ví von, những giải pháp được đưa ra trong giai đoạn này là phải “xi nhan sớm, bẻ lái từ từ”.
“Nhúng” học sinh vào thực tế
TS. Chuẩn cho rằng, hướng tới chương trình 2018, mỗi giáo viên cần biết dạy thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, từ đó giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết, chứ không phải thụ động tiếp thu kiến thức được sắp đặt sẵn. Đặc biệt, cần tránh tình trạng chỉ chọn các học sinh học trội hơn, “bỏ rơi” học sinh chưa học tốt.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, nhiều địa phương đã đa dạng hóa hình thức dạy học một cách thành công. Ví dụ, trường Tiểu học Tương Lai ở Đồng Tháp tổ chức những góc chia sẻ với tiêu đề: “Ai thừa thì đóng góp, ai cần thì sử dụng”, từ đó các em học cách sẻ chia, đùm bọc, tương thân tương ái.
Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) có câu chuyện về hoa tulip: học sinh được mua một chậu cây và mầm hoa với giá 10.000 đồng, được hướng dẫn trồng và chăm sóc.
Mỗi lần chăm sóc, các em đều chụp ảnh, ghi nhật ký. Tết đến cũng là mùa hoa nở, các em được mang về nhà. Cha mẹ đều rất thích thú vì cây hoa của con và sẵn lòng chi một khoản tiền nhỏ để mua chậu cây đó. Các em dùng số tiền đó mua đồ tình nguyện gửi cho các bạn học sinh vùng khó khăn.
Như vậy, học sinh đã vận dụng được kiến thức nhà trường vào thực tế. Còn ở Lai Châu, thầy cô cùng các em nuôi heo, cá, vịt, trồng rau, trồng gừng làm mứt gừng cho học sinh mang về ăn Tết... Nhờ đó, học sinh biết áp dụng làm kinh tế tại gia đình...