Đánh giá của Bộ GD&ĐT cho thấy công tác phát triển đội ngũ nhà giáo thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là một số địa phương để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ gây bức xúc dư luận và chất lượng đào tạo sư phạm gây quan ngại cho xã hội.
Cả nước hiện có 13 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo chuyên về sư phạm và 61 cơ sở giáo dục ĐH đa ngành có đào tạo sư phạm. Nếu tính cả đào tạo giáo viên trình độ trung cấp và cao đẳng thì cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở giáo dục đào tạo được phép đào tạo giáo viên các cấp (hầu hết tỉnh/thành nào cũng có cơ sở đào tạo sư phạm). Hàng năm, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp đều tăng. Theo kế hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% trong tổng số sinh viên tuyển mới.
Hiện nay, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông về cơ bản đã đủ và thừa. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thừa, thiếu cục bộ và thiếu giáo viên ở một số môn học như: Tin học, ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở và tiểu học do nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày, thừa giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc bậc tiểu học. Theo thống kê của các địa phương, toàn quốc hiện nay thiếu 5.315 giáo viên tiểu học; thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở và thừa 4.260 giáo viên trung học phổ thông.
Đối với bậc mầm non, hiện nay cả nước thiếu 34.641 giáo viên do nhu cầu gửi trẻ tăng cao, trong khi tổng biên chế giáo viên của các tỉnh/thành phố có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế) nhưng số lượng giáo viên tuyển ở các bậc học trên (đặc biệt là trung học cơ sở và trung học phổ thông) có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho bậc học mầm non.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề án quy hoạch lại các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có các trường sư phạm. Theo đó sẽ rà soát, sắp xếp và quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên trung tâm có uy tín, đủ năng lực đào tạo giáo viên cho toàn ngành. Các cơ sở đào tạo khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm và tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho toàn hệ thống. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên theo từng môn học, bậc học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Đồng thời, sẽ giao chỉ tiêu căn cứ vào nhu cầu của từng địa phương và năng lực của từng trường, quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của từng ngành, trình độ đào tạo giáo viên, trong đó ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sư phạm năm 2018 cao hơn so với năm 2017.
Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề hệ thống các trường sư phạm, PGS. Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM ủng hộ quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Vì sau một thời gian dài phát triển, hệ thống các trường sư phạm ở địa phương cung đang vượt quá cầu. Nếu không quy hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến giáo dục đào tạo sau này. Sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều sẽ không thu hút được người giỏi vào sư phạm.
Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, tổng hợp nhu cầu của từng địa phương và năng lực từng trường, Bộ quyết định tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm 2018. Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 của khối ngành sư phạm khoảng 35.000. Như vậy, so với năm 2017, chỉ tiêu sư phạm giảm gần 40%. Tổng số nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm là 125.260, giảm 29% so với năm 2017; trong đó nguyện vọng một là hơn 43.000, giảm 26,9%.