Trước đó, việc cô giáo B.T.T.N., giáo viên lớp 4/3, trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh đã gây xôn xao dư luận.
Phải dạy cô giáo có kĩ năng thoát hiểm?
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đây là sự việc không mong muốn và đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà giáo. “Qua sự việc này, người ta coi thường thầy cô giáo. Mặc dù cô giáo nói là không có đường lui nhưng mỗi giáo viên phải có cách thoát ra trong nghịch cảnh chứ sao lại chấp nhận làm như thế”- TS Lâm chia sẻ.
TS Lâm cho rằng, phải thừa nhận mặt thiếu sót của cô giáo trong chuyện này là có. Việc xử phạt học sinh là giáo viên có quyền nhưng hình thức xử phạt đó phải mang ý nghĩa giáo dục và phải cho học sinh tâm phục khẩu phục và có tiến bộ. Về nguyên tắc là phải cho học sinh tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
“Phạt như thế nào để có ý nghĩa giáo dục, học sinh tiến bộ là bài toán đòi hỏi nghiệp vụ sư phạm của cô giáo. Qua sự việc này chúng ta không bênh cô giáo nhưng ở đây đặt vấn đề an toàn của cô giáo trong nhà trường”- TS Lâm nhấn mạnh.
TS Lâm cho rằng, không thể chấp nhận được hình cô giáo quỳ trước phụ huynh. Cô giáo dạy học trò không phải bằng kiến thức mà bằng cả nhân cách của mình. Hình ảnh của cô giáo phải quỳ như thế làm sao dạy học trò được'- TS Lâm khẳng định.
TS Lâm cho rằng, trong nhà trường cần phải có hướng dẫn cho giáo viên giữ khí tiết của mình, phải có kĩ năng thoát hiểm.
Ở đây, theo TS Lâm, vị phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi đã vi phạm nhiều thứ . Thứ nhất, phụ huynh đã vi phạm nhân cách, sỉ nhục người khác, điều đó pháp luật không cho phép.
“Việc kỉ luật cô giáo là việc của trường chứ không phải phụ huynh còn anh bắt người ta quỳ là xâm phạm nhân phẩm của người khác. Phải truy tố phụ huynh đó trước pháp luật. Vị phụ huynh đó là luật sư, người nắm pháp luật mà còn làm thế thì càng đáng phải lên án nữa”- TS Lâm nêu ý kiến
Ngoài ra, theo TS Lâm, việc cô giáo có sai đến đâu nhưng phụ huynh nên tôn trọng cô giáo. Việc tôn trọng giáo viên là cách để anh làm gương cho con mình.
Thầy hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hành động ông Huỳnh Công Sơn, hiệu trưởng trường tiểu học Bình Chánh bỏ ra ngoài, không bảo vệ giáo viên của mình cũng đáng lên án và cần làm rõ trách nhiệm.
“Trong việc này thầy hiệu trưởng chưa giải quyết xong mà thầy hiệu trưởng lại bỏ đi việc khác. Ông là hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm về vấn đề này chứ không phải ai khác. Chính hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn bộ sự việc chứ không đơn giản chỉ khiển trách, kỉ luật qua loa đâu”- TS Lâm nói.
TS Lâm chỉ ra, việc giải quyết công việc của nhà trường là của hiệu trưởng cũng không phải của ai khác. Chứng kiến từ đầu đến cuối mà rồi lại bỏ đi. Giờ dự giờ của ông thì có thể thay đổi được. Đang lúc nước sôi lửa bỏng như thế lại bỏ đi, như vậy là không hoàn thành trách nhiệm của anh rồi.
“Như vậy, cần phải kỉ luật hiệu trưởng vì thiếu trách nhiệm trong việc quản lý nhà trường của họ’- TS Lâm nêu quan điểm.
Cũng theo TS Lâm, qua sự việc này đặt ra vấn đề an toàn của nhà giáo. Vấn đề an toàn của nhà giáo trước hết phải được đảm bảo ở nhà trường chứ không ai khác.
"Việc kỉ luật giáo viên là việc của ban giáo hiệu nhà trường chứ không phải việc của phụ huynh, phụ huynh chỉ cộng tác với nhà trường để giáo dục học sinh. Không thể để phụ huynh muốn làm gì cũng được"- TS Lâm nói.