Theo lời kể của cô N., ông Võ Hòa Thuận, phụ huynh có con bị phạt trong lớp học, yêu cầu cô quỳ gối (như đã phạt các học sinh) thì mới cho qua vụ việc. Sau khi cô giáo quỳ, vợ chồng ông mới nói "được rồi"!
Câu chuyện "cô giáo phải quỳ gối mới được cho qua” đang gây bức xúc cho các giáo viên của nhà trường. Dư luận cũng nổi sóng.
Đã có rất nhiều ý kiến phân tích về cái sai của những người trong cuộc, gồm cả cô giáo và phụ huynh, rồi tranh luận về việc ai là người có lỗi nặng hơn.
Còn tôi thì không muốn tham gia cuộc tranh luận ấy.
Không hiểu sao, lúc này, tôi muốn gửi tặng những em học sinh bị cô giáo N bắt quỳ gối vì nghịch ngợm; thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh; vợ chồng ông Võ Hòa Thuận, cuốn sách: Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ. Gửi tặng, để họ đọc, suy ngẫm thêm về phương cách giải quyết các mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường- xã hội, đặc biệt giữa người với người.
Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ là cuốn tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko. Đây là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật sau Thế chiến thứ hai. Ngay đầu chuyện là hình ảnh bà mẹ âu lo dắt tay Totto-chan, mới sáu tuổi đã bị thôi học vì quá năng động và lạ lùng so với các bạn. Mẹ của Totto-chan biết ngôi trường bình thường không thể hiểu được con gái, bà liền xin cho em vào học tại Tomoe Gakuen (Trường Tomoe) của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Ngay khi gặp Totto-chan, thầy Kobayashi Sosaku đã bày tỏ sự tin tưởng cô bé. Ông ngồi đến… 4 tiếng đồng hồ để lắng nghe em tâm sự.
Từ đây, những câu chuyện lý thú kể về ngôi trường, thông qua cảm nhận của cô bé 6 tuổi đã tạo nên những thông điệp vô cùng tuyệt vời về một môi trường giáo dục có hướng đi độc đáo. Trong đó, thầy hiệu trưởng luôn là người bạn lớn của các em.
Có một tình huống khiến khi đọc không khỏi buồn cười. Totto-chan làm rơi chiếc ví thương yêu vào bồn cầu. Cô bé đã hì hục cả buổi để đào bới hết chiếc bể phốt, sau nhà vệ sinh để tìm chiếc ví. Đúng lúc thầy hiệu trưởng Kobayashi đi qua. Thay vì quát tháo, phê bình, thầy chỉ hỏi em lí giải việc làm kì quặc ấy. Sau đó, thầy tỉnh bơ nhắc nhở: sau khi xong việc, hãy khiến mọi thứ trở về như ban đầu.
Thầy hiệu trưởng Kobayashi tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Ở Tomoe không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập.
Cố giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng viết: “Chắc chắn mỗi học sinh đều mơ ước được như Totto-chan may mắn vào học một trường như Tomoe, với một thầy hiệu trưởng như ông Kobayashi. Riêng tôi, chỉ mong cho nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc cha mẹ đọc sách này, để giúp thoát khỏi khuôn nếp cũ, tự tạo ra "tư duy mới" trong việc chăm sóc dạy dỗ con em”.
Ở khắp nơi trên thế giới, “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ “được đón nhận như là truyện đối với các em thiếu nhi, sách tham khảo đối với các phụ huynh học sinh, tài liệu sư phạm đối với các nhà giáo. Ở Nhật Bản, một số chương trong cuốn sách còn được đưa vào nội dung của sách giáo khoa.
Xin nói rõ, người viết không cố ý “PR” cho cuốn sách đã quá nổi tiếng. Chỉ ước rằng, mong môi trường giáo dục ở ta, trước hết, có được nhiều thầy cô thực sự là tấm gương sáng, để họ và ngôi trường mãi dệt nên những trang ký ức tuyệt vời, trong tâm hồn các thế hệ học sinh.
Với các em nhỏ thì cách dạy dỗ càng phải khác biệt: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô đấy”, lời thầy hiệu trưởng Kobayashi quả không vô bổ với các nhà sư phạm ở ta.
Chuyện ở Bến Lức (Long An), giờ trách móc, xử lý thì đã muộn mất rồi!