Thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2017-2018, Việt Nam có 15 triệu 869 nghìn học sinh từ tiểu học đến THPT. Đây là những đối tượng đang sử dụng SGK trong các trường học. Phục vụ gần 16 triệu học sinh nhưng chỉ có 1 NXB chịu trách nhiệm phát hành SGK hàng năm và đây được coi là thị trường độc quyền của NXBGDVN. Với thị trường này, bất cứ một NXB nào trên thế giới nằm mơ cũng không thấy!
Năm 2000, Việt Nam bắt đầu thực hiện CT - SGK mới (chương trình này đang được thực hiện và dự kiến sẽ bắt đầu thay SGK từ năm 2019 với lớp 1). Thời gian sau đó, GS. Nguyễn Xuân Hãn, trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã rất phản đối việc năm nào cũng xảy ra tình trạng phải in lại SGK. GS. Nguyễn Xuân Hãn cũng đưa ra một con số cụ thể : Chỉ tính riêng một cuốn sách tiếng Việt lớp 1 (hai tập) ngày đó in để phục vụ 1,7 triệu học sinh là NXBGDVN đã thu về 32 tỷ đồng. Đó chưa kể các đầu SGK khác.
Năm nay, NXB GDVN in hơn 100 triệu bản SGK mà vẫn thiếu, năm 2017 cũng in 105 triệu bản. Một câu hỏi đặt ra, tại sao năm nào SGK cũng phải in lại?
Việc khan hiếm sách giáo khoa diễn ra khá trầm trọng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Ảnh: Như Ý.
Một cô giáo trưởng khối 1 của một trường tiểu học tại Nam Định cho biết từ mấy năm nay, trường dạy SGK tiếng Việt lớp 1 công nghệ. Nhưng năm nào sách cũng có chỉnh sửa. Ví dụ như năm trước, sách bỏ bớt một bài, chỉnh sửa vài chi tiết ở các bài khác. “Chính vì vậy, sách của học sinh năm trước có khác với sách của học sinh năm sau” - giáo viên này cho hay.
Cũng liên quan đến sách tiếng Việt lớp 1, là một phụ huynh có con năm nay lên lớp 2, chị Nguyễn Thị Hường, Ý Yên, Nam Định, cho biết con gái năm 2017 vào lớp 1, chị xin sách của con một người bạn đã học xong. Nhưng sau một thời gian đi học, con gái về cứ thắc mắc sao sách của con khác của các bạn.
Nhất là bài thơ Thằng Bờm. Ban đầu, chị mắng con là không chịu nghe cô giáo giảng nên mới thấy thế. Nhưng con vẫn thắc mắc, chị bèn tìm mượn sách của bạn con. Té ra, đúng là sách có sự khác nhau giữa cuốn xuất bản năm trước và cuốn xuất bản năm sau. Chị đành phải lên hiệu sách ở huyện mua cho con sách mới.
Trong khi đó, với các lớp khác, từ khi thực hiện chương trình 2000, học sinh có thể viết luôn vào sách bài tập. Thậm chí, cả sách SGK cũng có phần câu hỏi học sinh có thể trả lời luôn. Chính vì vậy nên nếu học sinh muốn học sách cũ thì chỉ học được những cuốn môn phụ, còn cơ bản môn chính vẫn phải mua SGK mới. Trong khi đó, GS. Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, với các môn như tự nhiên, việc viết lại đầu bài cũng là một lần nhận thức. Nhưng không hiểu vì sao, từ khi thực hiện chương trình mới, việc tạo thêm một lần nhận thức cho học sinh cũng bị những người viết sách lược mất.
Sự độc quyền đang “móc túi” người dân
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, từ trước khi năm học mới bắt đầu 1 tháng, thị trường SGK đã khan hiếm nghiêm trọng, nhất là các lớp đầu cấp gồm lớp 1, lớp 6, lớp 10. Theo lý giải của các nhà sách, sở dĩ SGK thường phải đăng ký “non” vì họ không được trả lại. NXBGDVN quy định SGK không được trả lại. Bán hết thì lãi, bán ế thì lỗ, các nhà sách phải chịu. Nhưng vấn đề của năm nay là muốn mua thêm cũng không có. Như vậy, NXBGDVN không còn SGK để bán chứ không phải tại các nhà sách đăng ký ít.
Trong khi đó, trả lời báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXBGDVN cho biết, năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh ở một vài địa phương, trong đó có Hà Nội. Nguyên nhân thứ hai, trước thông tin sắp thay SGK mới, một vài công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương năm nay đã đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của NXBGDVN.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Xuân Hãn cho biết hiện có tới 556 đầu SGK các loại (trong đó có 251 đầu SGK cho học sinh). So với trước đây số lượng đầu SGK ở bậc phổ thông, tăng vọt gấp 4 - 5 lần. Trung bình mỗi lớp thầy trò phải sử dụng tới 45 cuốn SGK. So với sách tham khảo, SGK không đắt. Nhưng với số lượng lớn thì nguồn tài chính của người dân đổ vào SGK không hề nhỏ. Và nguồn tiền này lại đổ về NXBGDVN.