64 thí sinh gian lận thi ở Hòa Bình: Các trường đại học nói gì?

64 thí sinh gian lận thi ở Hòa Bình: Các trường đại học nói gì?
TP - Chiều qua, 12/3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để thông tin chính thức những vấn đề liên quan đến kết luận điều tra,  xử lý gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình của Bộ Công an. Trong đó, có môn thi được nâng 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng tổng số 3 môn 26,45 điểm.  

Gian lận từ năm 2017

Theo đó, có 64 thí sinh, trong đó 63 thí sinh của 2018, 1 thí sinh của 2017, đã có sự thay đổi điểm thi. Trong số đó, có  56 thí sinh với 140 bài thi  trắc nghiệm đã bị thay đổi điểm. “Môn bị giảm nhiều nhất so với kết quả ban đầu  là 9,25 điểm. Đặc biệt có thí sinh được tăng điểm 3 môn cao nhất là 26,45 điểm. Rõ ràng đây là sự can thiệp nghiêm trọng làm sai lệch kết quả thi” - ông Mai Văn Trinh nói.

Ông Trinh cho hay, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hòa Bình cập nhập lại  điểm của 64 thí sinh lên hệ thống  phần mềm quản lý thi để rà soát kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, 2017; Đồng thời cung cấp thông tin về điểm thi trong danh sách thống kê cho Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các ĐH, Học viện, trường ĐH, trường CĐ, TC có nhóm ngành đào tạo giáo viên để cập nhật, rà soát kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ đối với các thí sinh có liên quan.

Chỉ có thí sinh ra, khó có thí sinh vào!

Trước câu hỏi của phóng viên về danh sách các thí sinh có liên quan đến vụ việc, ông Trinh cho biết, bản thân ông cũng chưa kịp thống kê những thí sinh này đã đỗ vào trường ĐH nào. Bộ đã gửi danh sách cho Sở GD&ĐT Hòa Bình và sắp tới, Sở sẽ báo cáo Bộ về nội dung này.  Hơn nữa, nội dung này liên quan đến công tác điều tra và quyền cá nhân nên ông Trinh từ chối công bố danh sách 56 thí sinh nêu trên.

Tuy nhiên, vấn đề mà  dư luận quan tâm đó là những thí sinh có liên quan điểm chấm thẩm định không đủ điểm đỗ vào các trường ĐH mà thí sinh này đang học, sẽ xử lý như thế nào? Ông Mai Văn Trinh cho hay, đây là hệ quả kéo theo của việc gian lận thi cử. Tuyển sinh  là quyền của các trường ĐH. Cục Quản lý chất lượng và Vụ Giáo dục ĐH sẽ có trao đổi và thống nhất chung. Nhưng đều trên tinh thần bám theo hai quy chế:  thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Chiều qua, lãnh đạo Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng cho biết Cục mới chỉ nhận được công văn của Bộ về  việc xử lý kết quả thi THPT quốc gia theo kết quả xác minh của cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an. Cục chưa nhận được danh sách thí sinh có liên quan của Sở GD&ĐT Hòa Bình nên chưa báo cáo lên Bộ  Quốc  phòng và vì vậy nên chưa có phương án cụ thể. Còn lãnh đạo Cục Đào tạo, Bộ Công an khẳng định những thí sinh không đủ điểm, nếu đã trúng tuyến vào khối các trường công an thì sẽ bị đuổi học.  Trường  ĐH Y Hà Nội tuy không phải là mục tiêu “hướng đến” của nhiều thí sinh liên quan đến tiêu cực thi cử nhưng cũng không chắc chắn là không có. Chính vì vậy, ông Lê Đình Tùng, trưởng phòng đào tạo ĐH của trường cho biết trường theo dõi sát sao sự việc. Nếu có thí sinh liên quan, trường sẽ xử lý theo quy chế. Tuy nhiên, như thế, việc tuyển bổ sung hay không thì trường phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia nhận định,  những thí sinh “chiếm chỗ” của những thí sinh khác nhờ gian lận thi cử chắc chắn sẽ bị đuổi học. Nhưng với các trường ĐH, sẽ chỉ có những thí sinh chiếm chỗ bị đuổi học, còn những thí sinh bị mất chỗ thì rất có thể các em không có cơ hội để học đúng ngôi trường, ngành học mà mình mong muốn.

Ông Mai Văn Trinh cũng không tin rằng các trường sẽ tuyển bổ sung chỉ tiêu khi các thí sinh gian lận bị xử lý theo quy định.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tại một trường ĐH lớn ở khu vực Hà Nội, kết thúc học kỳ I, một thí sinh ở Sơn La có điểm chuẩn đầu vào trường đạt Á khoa nhưng điểm tổng kết chỉ đạt 3,42/10.  Một thí sinh khác ở Hòa Bình, có điểm trúng tuyển vào trường là 24,9 điểm nhưng điểm tổng kết học kỳ I cũng chỉ đạt 3,87 /10. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.