Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp), trong điều kiện hiện nay chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với số ít tội phạm thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, giết người, cướp tài sản mà làm chết người… các tội phạm khác thì tù chung thân là thích đáng.
“Cần sửa đổi, bổ sung Điều 35 BLHS nhằm xác định rõ tiêu chí áp dụng hình phạt tử hình, theo hướng chỉ áp dụng đối với người phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo, mất nhân tính, hoặc việc phạm tội cũng như người phạm tội là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”. Ông Hoàn đề xuất.
GS-TSKH Lê Cảm (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng BLHS với hơn 20 tội có hình phạt tử hình là nhiều, nên rút xuống còn khoảng 5 như ma túy, giết người có tình tiết tăng nặng, tham nhũng…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay bỏ tử hình với tội nào, giữ với tội nào, cần có cơ sở khoa học và thực tiễn chắc chắn.
Một số đại biểu dự họp kiến nghị bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS.
Thực tiễn cho thấy, không ít tổ chức kinh tế, vì chạy theo lợi ích cục bộ đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm (đầu cơ, trốn thuế, buôn lậu, kinh doanh trái phép...).
Pháp luật hình sự nước ta mới chỉ xử lý cá nhân phạm tội, còn tổ chức (pháp nhân) cũng có hành vi tương tự chỉ bị áp dụng các chế tài xử phạt khác (hành chính, kinh tế, dân sự).
Tuy nhiên, "phạt tù" pháp nhân thế nào lại chưa được các đại biểu dự họp đặt ra.