Các cơ quan tình báo trên khắp thế giới, từ Langley đến London, Mátxcơva và Bắc Kinh, đang nỗ lực tranh thủ những tiến bộ vượt bậc về công nghệ để đối phó với các hoạt động do thám theo kiểu truyền thống mà con người đã sử dụng trong hàng ngàn năm qua.
Ông Richard Moore, giám đốc MI6, nói rằng kỹ thuật lượng tử, sinh học tổng hợp, những kho dữ liệu khổng lồ và tiến bộ về công nghệ máy tính đang gây ra các mối đe doạ mà phương Tây cần chuẩn bị để ứng phó.
“Các đối thủ của chúng ta đang đổ tiền bạc và đề ra mục tiêu tham vọng để làm chủ trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và sinh học tổng hợp, vì họ biết rằng làm chủ những công nghệ đó sẽ giúp họ giành lợi thế”, ông Moore nói.
Ông Moore, một nhà ngoại giao được bổ nhiệm phụ trách MI6 từ năm 2020, nói rằng những tiến bộ công nghệ trong thập kỷ tới có thể vượt xa mọi tiến bộ công nghệ trong thế kỷ qua.
“Chúng ta vẫn chưa nắm bắt được hết thực tế này và tác động tiềm tàng của nó đối với địa chính trị toàn cầu. Nhưng đây là một trọng tâm nóng đối với MI6”, ông nói.
Các cơ quan tình báo phương Tây sợ rằng trong vòng vài thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ thống trị tất cả các mảng công nghệ mới quan trọng nhất, đặc biệt là AI, sinh học tổng hợp và di truyền.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong 40 năm qua được đánh giá là một trong những sự kiện địa - chính trị nổi bật nhất trong những năm gần đây, tương tự sự sụp đổ của Liên Xô đã dẫn đến kết thúc Chiến tranh Lạnh.
MI6, một cơ quan được các tiểu thuyết gia mô tả là nơi đào tạo ra những điệp viên hư cấu nổi tiếng nhất như George Smiley của John le Carré hay James Bond của Ian Fleming, phụ trách hoạt động tình báo ở nước ngoài nhằm bảo vệ Anh và các lợi ích của Anh.
Ông Moore nói rằng cơ quan này sẽ phải thay đổi để tận dụng những công nghệ mới.
“Chúng ta không thể hy vọng nhân rộng công nghệ toàn cầu, vì thế chúng ta phải tận dụng nó. Chúng ta phải trở nên cởi mở hơn, để có thể giữ bí mật”, ông nói.