Theo ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, trong Đề án thí điểm thực hiện cơ chế một cửa cung cấp dịch vụ công tại một số DN nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện bộ dịch vụ, gồm 7 dịch vụ trong hoạt động cung cấp nước sạch theo cơ chế một cửa tại Cty TNHH MTV Nước sạch số 2 Hà Nội.
Đây là DN nhà nước đầu tiên thí điểm triển khai mô hình dịch vụ công nhằm cải tiến, cắt giảm các thủ tục hành chính để phục vụ khách hàng, người dân tốt hơn. Cụ thể, theo quyết định bộ phận dịch vụ công gồm 7 dịch vụ được triển khai tại doanh nghiệp này. Trong đó 2 thủ tục lĩnh vực đấu nối nguồn cấp nước; 3 thủ tục lĩnh vực đường ống, cụm đồng hồ đo nước; 1 thủ tục lĩnh vực tạm ngừng, mở lại nguồn cấp nước và 1 thủ tục thuộc lĩnh vực hợp đồng dịch vụ cấp nước, hóa đơn, đơn giá thanh toán tiền nước: “Theo quyết định của bộ dịch vụ công này thì Cty Nước sạch số 2 Hà Nội thực hiện tiếp nhận và giải quyết 7 dịch vụ công theo cơ chế một cửa tại các điểm giao dịch với mục đích đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết”, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết.
Theo UBND TP Hà Nội, hai đơn vị được lựa chọn thí điểm đầu tiên thực hiện theo mô hình này là Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, quận Cầu Giấy) và Cty TNHH MTV Nước sạch số 2 Hà Nội (trụ sở tại đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên).
Theo đánh giá của Tổ công tác thực hiện Đề án thì kết quả khảo sát tại Cty Nước sạch số 2, hồ sơ đề nghị cung cấp nước sạch tại doanh nghiệp này chưa đáp ứng được về tính đơn giản, chưa tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện như yêu cầu phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đề nghị cấp nước vào đơn mặc dù trong thành phần hồ sơ công ty đã yêu cầu cá nhân có yêu cầu về dịch vụ công cung cấp bản chứng thực hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, đăng ký tạm trú.
Cty Nước sạch số 2 đã thực hiện công khai quy trình, thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết việc lắp đặt đầu máy nước, nhưng đây chỉ là quy trình giải quyết nội bộ của DN mà chưa giúp người dân xác định rõ trình tự, các bước phải thực hiện từ khi nộp hồ sơ đến khi được lắp đặt đầu máy nước mà hoàn toàn phụ thuộc vào lịch làm việc của các bộ phận chuyên môn. Ngay trong phiếu hẹn trả kết quả cho khách hàng nộp hồ sơ vẫn “cao su” bằng cách chưa xác định rõ ngày, tháng, năm cá nhân được nhận kết quả.
Giảm thời gian, sự phiền hà cho người dân
Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Cty Nước sạch số 2 Hà Nội, hiện địa bàn quản lý của đơn vị rất rộng gồm các quận, huyện như Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh…, với khoảng 140 nghìn khách hàng: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi phải giải quyết cho khoảng trên 50 trường hợp. Việc thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc giải quyết thủ tục rất quan trọng vì liên quan đến việc cung cấp nước sạch cho khách hàng với số lượng rất lớn, giúp tiết giảm được nhiều thời gian đi lại của khách hàng và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo DN này cho biết, theo quy định hiện nay thời gian và quy trình thực hiện việc lắp đặt đấu nối đầu máy nước với khách hàng là 30 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ và chưa tính thời gian xin phép đào đường, hè. Đặc biệt, hiện hồ sơ liên quan đến thủ tục đấu nối cũng rất phức tạp, rườm rà. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thí điểm Đề án này đơn vị đã khẩn trương rà soát lại toàn bộ các quy trình, thủ tục trong cung cấp dịch vụ đến khách hàng để từ đó xây dựng bộ quy trình rút gọn: “Nếu như thủ tục trước đây là khoảng 20 đến 30 ngày thì nay đã rút gọn xuống chỉ còn 10 ngày và điều đặc biệt quan trọng giúp tăng được hiệu quả sản xuất kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết”, lãnh đạo Cty Nước sạch số 2 Hà Nội nói.
Ông Đỗ Quý Tiến, Vụ Phó vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho rằng, việc Hà Nội công bố bộ dịch vụ công và khai trương bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết theo cơ chế một cửa tại Cty Nước sạch số 2 Hà Nội là đột phá về cải cách hành chính: “Thời gian vừa qua, vẫn nhiều đơn vị mà người dân và DN kêu ca về thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Nếu không làm tốt việc này kinh tế đất nước sẽ không phát triển được”, ông Tiến cho biết.