Năm nay sẽ có 48 giải sách hay và 35 giải sách đẹp được vinh danh. Theo số liệu của Hội xuất bản Việt Nam cung cấp thì số lượng nhà xuất bản tham gia dự giải năm nay có kém hơn năm trước (35/63 so với 44/63). Mặc dù vậy, đó không phải tín hiệu buồn, vì lượng sách tranh giải rôm rả hơn năm ngoái, với 517 cuốn, nhiều hơn năm ngoái 44 cuốn. Giải thưởng năm nay có lẽ cũng vì thế mà hào phóng hơn, từ giải sách hay đến sách đẹp đều nhỉnh hơn năm ngoái về số lượng.
Đóng cửa với tác phẩm gây tranh cãi
Ông Nguyễn Kiểm- Phó chủ tịch thường trực Hội xuất bản Việt Nam và Hội đồng giải thưởng sách Việt Nam, nói về sự khác biệt của giải thưởng sách hay của Hội xuất bản so với những giải thưởng sách hay khác: “Chúng tôi hướng tới hai mục đích rõ ràng: Tôn vinh và sàng lọc để từ đó định hướng cho bạn đọc”. Theo ông Nguyễn Kiểm, giải năm nay có một số cuốn sách đặc biệt đáng chú ý như bộ cổ tích mới (gồm 6 cuốn) của NXB Trẻ, “năm nay sẽ trao giải cao đấy, để nói rằng ngày nay cũng có những bộ sách thiếu nhi có giá trị”. Cùng nằm trong giải vàng sách hay năm nay còn có Lịch sử Việt Nam (15 tập), đây cũng là bộ sách được ông Nguyễn Kiểm và hội đồng chấm giải tâm đắc, bởi “cuốn sách được biên soạn lại khá công phu”.
Hiện nay, giải thưởng sách hay của Hội xuất bản Việt Nam cũng bị cạnh tranh về sức hút. Thí dụ, giải thưởng sách hay do viện Ired và Quỹ Phan Châu Trinh tổ chức, đây là giải thưởng “dân lập” đầu tiên về sách có qui mô rộng rãi do học giả và độc giả bình chọn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kiểm khẳng định: Ở giải thưởng sách hay của Hội xuất bản, không vinh danh những tác phẩm gây tranh cãi, bàn tán. Giải thưởng này không nhằm mục đích khuyến khích phương pháp sáng tác mới, mà là “chọn lọc, định hướng cho bạn đọc, biểu dương cái tốt”. Phải chăng đó cũng là lí do vì sao giải thưởng bước sang năm thứ 11 vẫn an toàn, không điều tiếng hay như cách nói của ông Nguyễn Kiểm: Không tì vết.
Nhưng sự an toàn, không tì vết chưa hẳn lúc nào cũng hay. Đây cũng là một thiệt thòi cho những người viết trẻ ưa mạo hiểm, tìm kiếm những con đường mới, gây tranh luận. Và sự sàng lọc này cũng phần nào thiệt thòi cho độc giả, họ không được thưởng thức các hương vị khác nhau của món ăn tinh thần. Bỏ qua những tác phẩm thuộc dòng lí luận- chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục- đào tạo… soi ngay những tác phẩm văn học đoạt giải sẽ thấy các tác phẩm đều có hệ số an toàn cao: Tuyển tập truyện ngắn Nỗi sợ hãi nhiệm màu (NXB Văn hóa- Văn nghệ TPHCM), Tiểu thuyết (bằng ba truyện dài) Những đứa con rải rác trên đường (NXB Trẻ), hai tác phẩm đều đoạt giải đồng sách hay. Tác giả của hai cuốn sach ấy đều là những tên tuổi không xa lạ với bạn đọc văn chương và không còn trẻ: Nguyễn Mạnh Tuấn và Hồ Anh Thái.
Trao đổi với nhà thơ Inrasara về giải thưởng sách “chính danh” của Hội xuất bản Việt Nam, anh nói: “Tôi không quan tâm lắm, tôi cứ tưởng hỏi giải thưởng sách của bên “dân lập”. Anh cũng thừa nhận, chưa đọc những cuốn sách văn chương sẽ được vinh danh ở sách hay vào ngày sách Việt Nam 21/4 tới. Lý do khiến nhà thơ quan tâm tới giải thưởng sách “dân lập” vì: “Tôi cảm thấy hình như… vô tư hơn”.
Inrasara nói ông cũng ấn tượng vì giải thưởng sách “dân lập” khá quan tâm người trẻ. Năm 2014, bên cạnh hiện tượng bị phê bình “ăn mày dĩ vãng” khi tôn vinh nhiều tác phẩm cũ, tác giả cao tuổi hoặc đã khuất thì giải thưởng sách “dân lập” (Viện Ired và Quĩ Phan Châu Trinh tổ chức) đã tìm ra những cái tên trẻ để vinh danh như nhà nghiên cứu 8x Trần Quang Đức với “Ngàn năm áo mũ”, nhà thơ- dịch giả 9x Đỗ Trí Vương với tác phẩm dịch “Quốc gia khởi nghiệp”.
Cốc mò, cò xơi?
Năm 2014, giải vàng sách đẹp gọi tên những cuốn sách do họa sỹ kỳ công đầu tư tiền bạc và công sức như: : Lê Trí Dũng- Tranh ngựa (MXB Mỹ Thuật), Đoàn Văn Cừ- toàn tập (NXB Hội nhà văn). Nói về câu chuyện tạo dựng cuốn sách đẹp, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên, con trai Đoàn Văn Cừ “ca” rằng: “Toàn bộ cuốn sách đầu tư 125 triệu đồng, tất cả tranh trong sách đều của tôi. Ôi giời ơi làm vất vả lắm, đi đi lại lại phải đến dăm bảy lần, in hỏng một lần, đã in ra 500, 600 cuốn, tôi phải hủy vì in sai màu”. Thế mà rồi, khi ra thành quả sách đẹp, thì người than “ôi giời ơi vất vả lắm” lại không được hưởng: “Cốc mò cò xơi hết, cuốn sách đó thì đẹp nhưng tiền thưởng thì không trao cho mình, lại trao cho “ông” nhà in. In đẹp mà tôi trình bày không đẹp, màu không đẹp, tranh không đẹp… thì lấy đâu ra mà in đẹp. Nhưng thôi, chả cần. Chỉ cần sách của ông Đoàn Văn Cừ đẹp là được rồi”.
Một trong những cái tên thường xuyên có mặt trong danh sách sách đẹp chính là họa sỹ trình bày bìa sách văn học lâu và nhiều nhất hiện nay. Anh tâm sự rất dài nhưng không muốn đưa tên với lí do: Có đáng gì đâu. Giống như Đoàn Văn Nguyên, họa sỹ này nói: “Tôi cũng không nhận cái giải ấy. Giải thưởng nó buồn cười lắm, công tác tổ chức hơi lằng nhằng. Sách đẹp hay bìa đẹp, hay bất cứ giải thưởng nào đều do các nhà xuất bản gửi đi, mình đâu có biết. Khi đoạt giải, có lần họ đưa giấy mời muộn hoặc vòng vo. Họ trao giải cũng không chuyên nghiệp lắm. Ngay cái chứng nhận giải thưởng họ ghi không đúng, chẳng hạn như giải thưởng cho bìa đẹp thì phải ghi tên họa sỹ đầu tiên chứ không phải ghi tên tác giả sách, cho dù tác giả là nhà văn lớn thì cũng liên quan gì đến bìa đẹp đâu? Ông ta cần vinh danh ở sách hay”.
Cũng như Đoàn Văn Nguyên, họa sỹ thường được vinh danh sách đẹp, bìa đẹp thú nhận: “Tôi có được xu nào đâu. Chả lẽ đi đòi?”. Anh kể: “Có lần tổ chức ở nơi sang trọng kinh, tôi cũng được xướng tên nhưng lên thì vẫn… chẳng có tiền”. Ai bảo giải thưởng sách hay, sách đẹp đã hay và đã đẹp trong ấn tượng của những người có tác phẩm được vinh danh?
Giải chưa chắc kích thích sách bán chạy
Ông Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội nhà văn cho biết: “Chẳng biết ở các nhà xuất bản khác thì thế nào, còn ở NXB của chúng tôi, sách đoạt giải cũng không kích thích bán chạy hơn”. Tuy nhiên, năm nào nhà xuất bản cũng vui vẻ tham gia giải. Sách đoạt giải của NXB Hội nhà văn thường là những cuốn sách mang màu sắc chính trị: Năm ngoái là cuốn Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ -văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh được vinh danh giải vàng. Năm nay, cuốn “Hoàng Sa- Trường Sa trong thư tịch cổ” được vinh danh với giải khuyến khích.
Bộ sách “Hoàng Sa- Trường Sa” (NXB Hội Nhà văn) gồm 4 cuốn, song chỉ được vinh danh mỗi một cuốn đầu tiên. Ông Nguyễn Trung Dân, Giám đốc chi nhánh phía Nam, NXB Hội Nhà văn, người trực tiếp đầu tư và thực hiện bộ sách, hơi băn khoăn: 3 cuốn còn lại cũng hay, tôi đánh giá còn tốt hơn cuốn đầu, mà sao chỉ vinh danh mỗi cuốn đầu tiên?