Giải pháp nào để chặn dịch chững lại ở 'điểm nóng' Bình Dương?

0:00 / 0:00
0:00
Giải pháp nào để chặn dịch chững lại ở 'điểm nóng' Bình Dương?
TPO - Chậm khẳng định kết quả xét nghiệm PCR, không kịp thời bóc tách F0 để có giải pháp điều trị phù hợp, nhập dữ liệu chậm dẫn đến số liệu vênh nhau, triển khai chính sách xã hội dưới cơ sở lúng túng…  được xem là những bất cập đang tồn tại ở "điểm nóng" Bình Dương.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, Bình Dương đang tồn tại một số bất cập có ảnh hưởng rất lớn trong công tác phòng, chống dịch. Đầu tiên phải kể đến là thủ tục công bố kết quả xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 triển khai khá chậm.

Lý do dẫn đến tình trạng này, do toàn tỉnh Bình Dương chỉ có CDC Bình Dương và Bệnh viện đa khoa tỉnh này được phép công bố khẳng định kết quả RT-PCR. Điều này làm cho Bình Dương bị động suốt thời gian qua, hầu hết các trường hợp xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính nhưng chờ kết quả xét nghiệm khẳng định phải đợi đến 3 ngày thậm chí lâu hơn.

Đơn cử như một trường hợp người phụ nữ ở trọ tại TX Tân Uyên, test nhanh kháng nguyên có kết quả dương tính từ ngày 7/8 nhưng đến ngày 10/8 người này tử vong vẫn chưa có kết quả PCR. Chính điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm do các F0 không được cách ly, không được “bóc tách” ra khỏi cộng động kịp thời.

Giải pháp nào để chặn dịch chững lại ở 'điểm nóng' Bình Dương? ảnh 1

Một trường hợp tử vong tại nhà trọ khi đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định PCR. Trước đó, vào ngày 7/8 người này test nhanh dương tính nhưng đến 10/8 tử vong vẫn chưa có kết quả PCR

Thực tế cho thấy, tại Bình Dương có hệ thống y tế tư nhân với nhiều bệnh viện hiện đại, được các chuyên gia y tế của Bộ Y tế đánh giá cao. Các bệnh viện dã chiến hiện đại, quy mô lớn đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch, hàng ngàn bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi, xuất viện chia lửa cho bệnh viện công lập trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”.

Trong chuyến kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại tỉnh Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: “Một số cơ sở y tế tư nhân tại Bình Dương hiện đang rất tốt. Các cơ sở y tế tư nhân không chỉ chia lửa với hệ thống bệnh viện công lập trong tỉnh mà còn có thể phục vụ các khu vực lân cận nếu trường hợp dịch COVID-19 diễn biến nặng ở các khu vực. Đề nghị tỉnh Bình Dương cần quan tâm, tranh thủ tận dụng năng lực của đối tượng này”.

Tuy nhiên, trong khi các bệnh viện có đủ trang thiết bị, nhân lực để xét nghiệm khẳng định vẫn phải gửi mẫu xét nghiệm về CDC Bình Dương chờ công nhận mới “hoàn tất” quy trình công bố kết quả. Ghi nhận cho thấy, mặc dù quá tải trong việc khẳng định PCR nhưng hiện chưa có y tế tư nhân nào ở Bình Dương có “giấy phép” khẳng định xét nghiệm RT-PCR theo quy định của ngành y tế.

Đại diện CDC Bình Dương cho biết, đơn vị được cấp 5 máy khẳng định PCR hoạt động suốt ngày, đêm nhưng khó để nhanh hơn khi địa phương đang thực hiện chiến dịch xét nghiệm toàn dân.

Giải pháp nào để chặn dịch chững lại ở 'điểm nóng' Bình Dương? ảnh 2

Bình Dương thực hiện xét nghiệm toàn dân cả ngày lẫn đêm nhưng năng lực khẳng định PCR quá tải dẫn đến chậm ra kết quả

Về chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tỉnh ủy, UBND và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã ra các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể về chính sách, đối tượng được hỗ trợ. Đồng thời đề nghị phải chi hỗ trợ hoàn thành trong tháng 8. Thế nhưng, 2 tuần qua, một số địa phương ở Bình Dương làm rất tốt nhưng cũng nhiều nơi còn lúng túng, thậm chí đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ những chưa hoặc không xét.

Những ngày qua, người lao động ở một số phường (Phú Lợi, Phú Hòa) thuộc TP Thủ Dầu Một; phường Tân Bình (TP Dĩ An); phường Thới Hòa, Hòa Lợi (TX Bến Cát) phản ánh họ chưa nhận được hỗ trợ. Điều này, dẫn đến việc người lao động hiểu sai về chính sách tích cực của tỉnh, trong khi lỗi xảy ra từ cơ sở.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 41.621 ca mắc COVID-19; 9.717 bệnh nhân xuất viện; 341 bệnh nhân tử vong. Toàn tỉnh này hiện có 1.244 khu vực phong tỏa với 125.426 người; 19.929 người đang cách ly tập trung; 4.151 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 967 trường hợp F0 cách ly tại nhà. Bình Dương đang tiến hành xét nghiệm toàn dân.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.