Giải pháp nào cho BOT của Bộ GTVT?

Trạm thu phí trên QL 5 - một trong những điểm nóng BOT trong thời gian qua. Ảnh: Bảo An.
Trạm thu phí trên QL 5 - một trong những điểm nóng BOT trong thời gian qua. Ảnh: Bảo An.
TP - Chính phủ vừa ra nghị quyết yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì rà soát, xử lý các bất cập liên quan đến các vấn đề bức xúc về BOT trong tháng 9 này. Bộ GTVT cho hay đang rà soát toàn bộ các nội dung, trong đó sẽ tập trung vào việc giảm phí sử dụng BOT…

Cụ thể, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 8 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư, mức phí và thời gian thu phí các dự án, công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT, đề xuất các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2007. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT.

Giảm giá phí thông qua quyết toán, quỹ dự phòng

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, một trong những nội dung quan trọng nhất đang được Bộ GTVT tập trung xử lý là giảm mức phí. “Việc giảm phí được thực hiện từ hơn 1 năm nay theo Nghị quyết 35/2016  của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. “Với nghị quyết mới của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục gấp rút thực hiện” - ông Đông cho biết.

Nói về căn cứ giảm phí, theo ông Đông tổng mức đầu tư của dự án BOT là những con số khái toán ban đầu. Khi dự án thực hiện xong, dựa trên chi phí thực tế rồi quyết toán, tổng mức đầu tư của dự án mới là con số chính thức. “Tại hầu hết các dự án, chi phí thực tế đều thấp hơn dự toán. Ngoài ra, mọi dự án đều có chi phí dự phòng nhưng chưa sử dụng đến. Từ hai yếu tố đó, dù hợp đồng BOT có quy định về giá, bước giá nhưng dựa theo thực tế đó, việc giảm giá, giãn tiến độ tăng giá là hoàn toàn hợp lý” - ông Đông nói. Ngoài ra, theo ông Đông, tại nhiều dự án, tốc độ gia tăng phương tiện, doanh thu tốt hơn hợp đồng BOT cũng là cơ sở để giảm phí. 

Tính đến thời điểm này, Bộ GTVT đã rà soát, đàm phán để điều chỉnh giá được 35/70 dự án BOT. Trong đó, 27 dự án có mức vé thấp hơn mức bình quân; 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn so với phương án tài chính. Ngoài ra, dự án tuyến tránh TP Thanh Hoá (trạm Tào Xuyên) cũng đã tạm dừng thu phí vì qua giám sát, doanh thu đã đủ theo phương án tài chính. “Quan điểm của Bộ GTVT là giảm giá đồng đều các dự án, nhất là trên cùng một hướng tuyến. Ngoài ra, các dự án có tốc độ tăng giá quá dày, Bộ cũng sẽ thương lượng để giãn ra” - ông Đông nói.

Ngoài giảm mức phí nói chung, tại tọa đàm “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí” do báo Tiền Phong tổ chức tháng 4/2017,  đại diện Bộ GTVT khẳng định”: Cần có chính sách chung để miễn, giảm theo từng mức độ đối với người dân xung quanh trạm. Đến nay, Bộ GTVT chưa ban hành một chính sách chung mà đang thực hiện với từng trạm thu phí vì đặc điểm tình hình các dự án khác nhau. Tuy nhiên, ông Đông thừa nhận tiến độ đang bị chậm so với kế hoạch và chỉ mới xử lý được một số điểm nóng và đang giao Tổng cục Đường bộ thực hiện quyết liệt.

Một số doanh nghiệp rằng, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các doanh nghiệp tự làm việc với các địa phương rồi đưa ra phương án giảm phí là quy trình ngược, không đúng thẩm quyền. Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục Đường bộ cho hay, phương án của các doanh nghiệp BOT đưa ra chỉ là một phương án tham khảo. Tổng cục đang có các đoàn công tác làm việc với các địa phương để sớm xây dựng phương án miễn, giảm phí cho người dân quanh trạm.

Khó thay đổi vị trí đặt trạm

Nói về vị trí đặt trạm, ông Đông cho hay, đây là vấn đề phức tạp bởi  vị trí đặt trạm đã được thống nhất giữa nhiều cơ quan, đảo vị trí trạm này sẽ ảnh hưởng đến các trạm khác. Tuy nhiên, với một số vị trí khó chấp nhận (như việc trùng khu vực đặt trạm giữa dự án BOT hầm Phú Gia - Phước Tượng và Hầm Hải Vân giai đoạn 2 - báo Tiền Phong đã phản ánh gần đây), ông Đông cũng khẳng định thứ trưởng Lê Đình Thọ (phụ trách dự án) đã có chỉ đạo hợp nhất hai trạm  này làm một. “Có thể hai dự án sẽ chia sẻ doanh thu hoặc hai bên thương lượng để chuyển nhượng theo đúng quy định” - Thứ trưởng GTVT Lê Định Thọ cho hay.

Với các dự án BOT gây bức xúc, xuất hiện tình trạng người dân trả tiền lẻ, ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra giải pháp mới. “Riêng trạm Cai Lậy - Tiền Giang, việc thay vị trí đặt trạm liên quan đến rất nhiều đơn vị như địa phương, chủ đầu tư, ngân hàng, đơn vị cho vay, chỉ riêng Bộ GTVT chưa thể quyết định được”.

Nói về nhiệm vụ rà soát các sai phạm của cá nhân, tổ chức trong các dự án BOT, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu quan điểm, sẽ thực hiện trong quá trình rà soát tổng thể. “Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã kết luận cụ thể nhiều nội dung. Hiện tại, có rất nhiều cơ quan thanh tra, kiểm toán đang thực hiện, vì vậy, các vi phạm nếu có sẽ được phát hiện và Bộ GTVT có trách nhiệm xử lý” - ông Đông nói.

Theo ông Đông, hiện các cơ quan chuyên môn đang tích cực thực hiện để đảm bảo thời gian báo cáo Chính phủ trong tháng 9 như nhiệm vụ của Chính phủ giao.  

“Bộ GTVT xác định, chỉ thông qua thu phí không dừng, doanh thu các dự án mới minh bạch hoàn toàn, người dân mới tin tưởng vào sự công khai của dự án. Vì thế, tới đây, Bộ GTVT đang quyết liệt triển khai sớm nhất trên diện rộng việc thu phí không dừng”.

 Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.