Giải mã thủ đoạn đưa ma túy về Việt Nam của các tay trùm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các tay trùm đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp.

Chuyên án 822T phá đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” về Việt Nam do Oanh “Hà” cầm đầu. Hình ảnh tư liệu do cơ quan công an cung cấp.

Đường hàng không giảm, đường bưu điện tăng

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, trên tuyến đường hàng không, bưu điện, cả nước phát hiện 46 vụ mua bán, vận chuyển ma túy, bắt giữ 20 đối tượng, thu hơn 600kg ma túy các loại.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đánh giá, thời gian gần đây, tình hình vận chuyển ma túy qua đường hàng không có xu hướng giảm và chủ yếu các đối tượng gửi ma túy về Việt Nam qua đường bưu điện chuyển phát nhanh. Trên đường hàng không, các đối tượng móc nối, hình thành đường dây có tổ chức chặt chẽ để đưa ma tuý vào Việt Nam.

“Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp vận chuyển ma tuý mà điều hành, chia nhỏ các công đoạn vận chuyển ma túy, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn hay hoàn cảnh éo le của những phụ nữ để vận chuyển ma tuý” - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thông tin.

Quá trình vận chuyển ma túy, các đối tượng ngụy trang, bọc giấy bạc, giấu trong va ly hai đáy, thành valy, giày dép, hộp thực phẩm, mỹ phẩm, trà, cà phê, thiết bị âm thanh, điện tử… hoặc pha thành chất lỏng thấm vào lớp lót va ly, khăn tắm… thậm chí, có hình thức nuốt, nhét trong cơ thể để tránh sự kiểm tra phát hiện của cơ quan chức năng.

Giải mã thủ đoạn đưa ma túy về Việt Nam của các tay trùm ảnh 1

Ma túy giấu vào các lốc máy cũ trong đường dây do Oanh "Hà" cầm đầu.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, các vụ bắt giữ gần đây chủ yếu là ma túy tổng hợp dạng MDMA được tội phạm dát mỏng giấu vào giữa thành đáy va li nên khi cho va li qua máy soi chiếu của Lực lượng Kiểm soát An ninh hàng không, Hải quan khó phát hiện được mà phải kiểm tra thủ công.

Các “ông trùm, bà trùm” ở trong nước cũng như nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh và triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp.

“Đối tượng cầm đầu, chủ mưu luôn tìm mọi cách để tạo bằng chứng “ngoại phạm” nhằm chối tội khi bị bắt giữ hoặc lợi dụng những “sơ hở” của pháp luật để gây khó khăn cho công tác điều tra như giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, “nhỏ giọt”, thông cung, thậm chí tự sát…” - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

Điển hình, "bà trùm" Vũ Hoàng Oanh tức Oanh “Hà”, ở Hải Phòng (chị gái của Dung “Hà” - trùm giang hồ đất cảng một thời) sử dụng công nghệ 4.0 điều hành toàn bộ đường dây phạm tội ma túy hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam và đưa đi cả nước thứ 3 tiêu thụ.

Về phương thức thủ đoạn, các đối tượng sử dụng các công ty vận tải để nhận và chuyển ma túy xuyên quốc gia, thường giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa pp, dạ dày lợn... Đồng thời dùng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước.

Trong đường dây này, cơ quan điều tra đến nay đã khởi tố tổng số 37 bị can và xác định tổng số ma túy các đối tượng đã vận chuyển, mua bán, tiêu thụ là 1,6 tấn các loại.

Giải mã thủ đoạn đưa ma túy về Việt Nam của các tay trùm ảnh 2

Số lượng lớn ma túy bắt giữ ở sân bay.

Thuê cả sàn chung cư, cải tạo làm phòng “bay, lắc”

Trước đây, người nghiện, người sử dụng ma túy thường tập trung đến một địa điểm nhất định để mua ma túy về sử dụng hoặc sử dụng ngay tại chỗ nên dễ phát hiện.

Loại hình này vẫn còn tồn tại nhưng có xu hướng giảm dần và tồn tại ở các điểm, tụ điểm bán lẻ ở dạng “boongke”, bán qua lỗ nhỏ, qua nhiều lớp cửa, người mua, người bán không biết nhau hoặc những nơi tập trung đông lao động phổ thông, làm việc nặng nhọc, thời vụ ở các công trường xây dựng, khu hầm mỏ, khai thác vàng, khoáng sản…

“Đề nghị xem xét trách nhiệm đối với các trường hợp rà soát sót lọt, để điểm, tụ điểm phức tạp, kéo dài, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân” - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, hiện nay, các đối tượng mua bán lẻ ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, chủ yếu giao dịch thỏa thuận qua điện thoại, qua các nền tảng của mạng xã hội như Zalo, Viber,

Telegram, What app…, sử dụng các dịch vụ vận chuyển giao hàng đến tận nơi, thanh toán trực tiếp hoặc qua các tài khoản ngân hàng để hạn chế tối đa việc gặp trực tiếp cũng như tập trung đông người nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

“Khi lực lượng công an tổ chức đấu tranh, trấn áp mạnh tại vũ trường, quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, các đối tượng có xu hướng thuê các căn nhà, biệt thự trong khu resort, căn hộ cao cấp ở các khu chung cư còn vắng người để tập trung “bay, lắc” - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thông tin.

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cho biết, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng thuê một đến vài sàn chung cư, sau đó cải tạo thành các “phòng bay” và cho thuê lại với giá từ 2 triệu đến 5 triệu/phòng/ca (12 giờ).

Bên cạnh đó, các đối tượng thường lợi dụng nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, trao đổi, giao dịch trong các hội, nhóm trên không gian mạng. Sau khi giao dịch xong, thuê người “ship” thẻ, nhắn mật khẩu để mở cửa. Người cho thuê và người thuê không cần gặp mặt hay trực tiếp trao đổi với nhau.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đấu tranh được 332 điểm và 8 tụ điểm phức tạp về ma túy. Xử lý hình sự 455 đối tượng, xử lý hành chính 1.668 đối tượng.

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, trong 2 năm qua đơn vị đã phối hợp các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ 35 vụ, 57 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường chuyển phát quốc tế vào Việt Nam, thu giữ 931,53kg ma túy tổng hợp các loại. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã bắt giữ 15 vụ, 29 đối tượng, thu giữ 658,7kg ma túy tổng hợp các loại.

MỚI - NÓNG