Những tín hiệu này, được gọi là xung sóng vô tuyến nhanh (FRB), chỉ mới được nghe thấy 18 lần.
Chúng khiến các nhà khoa học đau đầu kể từ khi phát hiện ra chúng năm 2007. Không ai biết được thông điệp này đến từ đâu hay cách chúng hình thành. Nhiều suy đoán cho rằng FRB xuất phát từ một ngôi sao khổng lồ, tia vật chất bắn ra từ lỗ đen hay thậm chí là người ngoài hành tinh.
FRB là những đợt sóng vô tuyến cực mạnh nhưng diễn ra trong thời gian rất ngắn, kéo dài không quá 1/1.000 giây, bùng phát với sức mạnh của khoảng 500 triệu mặt trời. Tín hiệu đầu tiên được kính thiên văn Parkes của Úc phát hiện năm 2007. Đến nay, chúng chỉ tái xuất thêm 17 lần nhưng chỉ 1 trong số đó là lặp đi lặp lại từ cùng 1 vị trí trên trời.
Những đợt sóng trùng nhau được nghiên cứu trong suốt 6 tháng, nhờ vậy mà các nhà khoa học có thể lần ra nguồn chính xác của chúng. Có vẻ như FRB xuất phát từ một thiên hà lùn mờ nhạt cách Trái Đất 3 tỉ năm ánh sáng, theo phát hiện mới đây.
FRB 121102, tên của chúng, được tìm thấy bằng cách sử dụng kính thiên văn Very Large Array do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) vận hành.
TS Shriharsh Tendulkar, một thành viên nhóm nghiên cứu và hiện làm việc tại Trường ĐH McGill (Canada), nói: "Trước khi chúng tôi biết khoảng cách tới bất kì FRB nào, rất nhiều đề xuất giải thích nguồn gốc của chúng cho rằng chúng đến từ bên trong hoặc gần dải ngân hà của chúng ta. Hiện tại chúng tôi đã loại trừ những ý tưởng đó, ít nhất là đối với FRB này".
Một điều bí ẩn nữa là có vẻ như FRB này còn đi kèm với một chuỗi các phát xạ vô tuyến yếu hơn nhưng phát ra liên tục.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học được đăng trên tạp chí Nature and Astrophysical Journal Letters hôm 4-1, phương pháp quan sát với độ chính xác cao hơn cho thấy 2 nguồn phát này không thể cách nhau quá 100 năm ánh sáng trong vũ trụ.
Tuy nhiên, hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ thứ gì đã tạo ra FRB. Đó có khả năng là mộtngôi sao neutron siêu dày đặc - có thể là "sao từ" với từ trường siêu mạnh - được bao quanh bởi những mảnh vỡ từ vụ nổ của sao. Một đáp án khác là các tia vật chất bắn ra từ vành của một lỗ đen vũ trụ khổng lồ.
Đồng tác giả của nghiên cứu, TS Shami Chatterjee đến từ Trường ĐH Cornell (Mỹ), nói: "Tìm thấy thiên hà chủ của FRB này và khoảng cách của nó là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều thứ phải làm trước khi có thể hiểu hết những thứ này".