Báo Mỹ Washington Post nhận định, những động thái tăng cường quân sự liên tiếp của Nga có thể là chỉ báo Mátxcơva có ý định đóng một vai trò trực tiếp hơn trong cuộc chiến Syria, nhưng hành động của Nga không phải là một sự thay đổi chính sách đáng kể. “Nga chưa bao giờ giữ bí mật việc hợp tác quân sự- công nghệ với Syria. Các chuyên gia quân sự Nga giúp người Syria làm chủ các thiết bị quân sự”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói thẳng: “Chúng tôi luôn thẳng thắn liên quan đến sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Nga tại Syria nhằm giúp đào tạo và dạy quân đội Syria cách sử dụng trang thiết bị. Và nếu cần những bước đi mạnh hơn, chúng tôi sẵn sàng thực hiện những bước đi đó”. Ông Lavrov nêu rõ, giúp đỡ chính quyền Syria là vấn đề cơ bản nếu như thế giới muốn đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). “Các ông không thể đánh gục IS chỉ bằng cách không kích. Cần phải có sự phối hợp lực lượng mặt đất với quân đội Syria vốn là lực lượng mạnh mẽ và hiệu quả nhất trên bộ chiến đấu với IS”, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định.
Một số nguồn tin cho rằng, động thái mới của Nga là những chiến thuật nhằm giúp chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad duy trì quyền lực. “Sự chạm trán giữa Nga và phương Tây đã kéo Nga vào khu vực Trung Đông”, chuyên gia Nikolay Kozhanov thuộc tổ chức Chatham House ở Anh nhận xét trên NBC News. Kể từ thời Nữ hoàng Catherine, Nga đã rất muốn gây ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũng tập trung theo đuổi chính sách này.
Mỹ và các siêu cường phương Tây có những đồng minh thân thiết trong khu vực như Israel, hay các nhà nước quân sự tập quyền như Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran (cho tới cách mạng 1979). Syria và Ai Cập thì thuộc quỹ đạo của Mátxcơva. Giai đoạn 1955-1960, Liên Xô viện trợ quân sự cho Syria 200 triệu USD. Mối quan hệ giữa Syria và Liên Xô được tăng cường vào năm 1971, sau khi ông Hafez al-Assad, một phi công học lái máy bay MiG tại Liên Xô, lên nắm quyền tại Syria. Chính quyền của ông Hafez được xây dựng dựa trên mô hình Liên Xô và rất nhiều người thuộc giới tinh hoa Syria được đào tạo trong các trường hàng đầu tại Mátxcơva.
Chính quyền của Tổng thống Assad đã cho phép Liên Xô xây dựng một trung tâm tiếp tế và sửa chữa tại cảng Tartus - một tiền đồn của Nga tại khu vực Địa Trung Hải. Ngay cả sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn tiếp tục cung cấp tài chính cho Syria để mua phần lớn các hệ thống vũ khí. Năm 2011, trước khi nổi dậy xảy ra tại Syria, Nga đã ký hợp đồng bán 4 tỷ USD vũ khí cho Syria. Ước tính, khoảng 100.000 công dân Nga vẫn đang sinh sống tại Syria. Các doanh nghiệp Nga đã đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào Syria giai đoạn 2009-2013.
“Kể từ năm 2000, Tổng thống Vladimir Putin đã tìm cách khôi phục vị thế cường quốc của Nga và định hình chính sách đối phó Mỹ nhằm tạo ra thế đối trọng với phương Tây tại khu vực Trung Đông. Syria là thành trì quan trọng nhất của Nga tại khu vực này và là chìa khóa trong tính toán của ông Putin”, nhà phân tích Anna Borshchevskaya ở Viện Washington nhận định.
Tuy nhiên, “lực lượng hải quân Nga thường trực tại Địa Trung Hải như thông báo hồi tháng 3/2014 bao gồm 5-6 tàu chiến, chỉ bằng 1/10 so với biên đội tàu số 5 của Liên Xô trước đây và vẫn dưới cơ so với các đối thủ”, chuyên gia phân tích quân sự Alexander Korolkov nhận xét.