Đây là sơ đồ đã đưa tuyển Đức đến chức vô địch Euro 1996 cách đây tròn 20 năm. Đó là giải đấu gần nhất tuyển Anh thi đấu giống một đại gia chứ không phải “Sư tử giấy” như hiện nay. Một trong những điểm nhấn của họ khi đó là trận bán kết gặp Đức. Do thiếu vắng hậu vệ cánh phải chơi rất hay Gary Neville vì đã nhận đủ ba thẻ vàng, HLV Terry Venables đã dẹp bỏ sơ đồ 4-4-2 truyền thống để xoay sang cách chơi ba trung vệ là xu thế thời thượng tại Euro 1996.
Năm trong tám đội vào tứ kết giải đó áp dụng cách chơi này. Đức, Tây Ban Nha và Croatia đá 3-5-2 cổ điển. Hà Lan biến thể sang 3-4-3 để tận dụng hai tiền đạo cánh vốn là đặc sản của họ. Cộng hòa Czech chơi 3-6-1 với chỉ một mình Pavel Kucka sắm vai trung phong cắm, Karel Poborsky và Patrick Berger hỗ trợ phía sau.
Tất cả các sách giáo khoa chiến thuật bóng đá đều thống nhất rằng sơ đồ là chết, cách vận dụng mà cụ thể là các vị trí di chuyển ra sao, tạo nên các khu vực tấn công và phòng ngự như thế nào mới là sống. Điều này lại phụ thuộc vào tố chất con người mà HLV có trong tay.
Ví dụ rõ nhất là Mathias Sammer, Quả bóng Vàng thế giới 1996. Chơi ở vị trí libero chính giữa ba trung vệ (sweeper), nhiệm vụ của Sammer không đơn thuần là bọc lót cho hai trung vệ dập - những người đầu tiên lao lên truy cản đối phương tấn công, mà sau khi giành lại bóng anh còn phải sẵn sàng tổ chức phản công nhanh từ sân nhà. Có thể bằng những đường chuyền dài bổng, chuyền dài sệt xuyên qua phòng tuyến đối phương, hoặc tự mình cầm bóng phối hợp với đồng đội ở gần.
Để đảm nhiệm vai trò đó, cầu thủ libero không chỉ cần kỹ năng truy cản bậc thầy của một hậu vệ, mà phải có khả năng quan sát cùng tốc độ tư duy nhanh để nhận ra đâu là khoảng trống mà đối thủ vô tình lộ ra khi tấn công, và cuối cùng là kỹ năng rê dắt và chuyền bóng của một tiền vệ để hiện thực hoá ý tưởng phản công anh ta nghĩ ra trong đầu. Cần lưu ý, có những cầu thủ quan sát tốt, tốc độ tư duy tốt nhưng năng lực chuyền bóng hoặc rê dắt có hạn thì cũng rất khó thực hiện được công việc Mathias Sammer làm ở Euro 1996.
Dù có đến năm đội áp dụng sơ đồ ba trung vệ, chỉ hai người đủ khả năng thực hiện vai trò càn quét là Sammer và Nikola Jerkan, trái tim của hàng phòng ngự Croatia suốt sáu năm (1990-1996).
Hầu hết những đội chơi 3-5-2 đề cao lối chơi phòng ngự chắc chắn và thực dụng. Lí do là các vị trí trên sân của 3-5-2 thường tạo thành các tứ giác hoặc ngũ giác để bao vây cầu thủ đối phương có bóng và khu biệt vùng nguy hiểm, sau đó một hoặc hai cầu thủ sẽ lao vào tranh cướp bóng. Nhà báo Jonathan Wilson, tác giả cuốn sách chiến thuật nổi tiếng Inverting Pyramid đã gọi 3-5-2, 5-3-2 hay các sơ đồ ba trung vệ vận hành kiểu này là những “rock solid” (hòn đá tảng). Một khi cầu thủ tấn công của đối phương có bóng rơi vào bẫy của 3-5-2, khả năng mất bóng rất cao vì vừa bị truy cản, hướng chuyền bóng ra ngoài lại bị khoá chặt.
Một khi mất bóng và bị phản công thì thủng lưới là điều khó tránh, vì sân nhà chỉ còn hai trung vệ, một thủ môn và cùng lắm là một tiền vệ phòng ngự. Một đợt phản công kiểu mẫu của những đội chơi 3-5-2 thường có sự tham gia của khoảng bốn người: hai tiền vệ trung tâm đá cao và hai tiền đạo. Bốn người đó đã đủ áp đảo ba cầu thủ phòng ngự về mặt quân số.
Trong cuốn sách Calcio – A History of Italian Football, nhà báo John Foot mô tả một đợt phản công kiểu mẫu như thế này: “Số lần tấn công trong một trận đấu của người Italy ít, nhưng mỗi lần lên bóng là họ huy động số cầu thủ đông nhất có thể với hiệu quả tối đa. Quan niệm về bóng đá đẹp với người Italy là một đợt phản công mau lẹ thường kết thúc bằng bàn thắng”.
Antonio Conte và công cuộc Phục hưng 3-5-2
Antonio Conte sinh ra ở Lecce, phần lớn sự nghiệp đá cho Juventus, nghĩa là chẳng dính dáng gì đến Thành phố Vĩnh cửu Rome nổi tiếng với nghệ thuật Phục hưng. Nhưng thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp cầm quân của HLV 46 tuổi là làm sống lại sơ đồ 3-5-2 tưởng như đã chết.
Năm 2011, khi lên cầm quân ở Juventus, Conte gây ấn tượng với các cầu thủ mạnh đến nỗi, Andrea Pirlo viết trong tự truyện I think therefore I play (Tôi tư duy là tôi chơi bóng) rằng: “Tôi đã thi đấu cho rất nhiều HLV tuyệt vời, nhưng không ai gây được ấn tượng cho tôi nhiều hơn Antonio Conte. Chỉ một cuộc đối thoại ngắn, những lời lẽ đơn giản là Antonio chinh phục tôi hoàn toàn. Không chỉ tôi mà toàn đội Juventus" và “Nếu gọi Arrigo Sacchi là thiên tài, thì với Conte, tôi không biết phải gọi là gì nữa. Tôi đã nghĩ ông ấy rất giỏi, nhưng không ngờ là giỏi đến thế”.
Phẩm chất thủ lĩnh của Conte thể hiện ở những thông điệp ngắn gọn, rõ ràng: “Thưa quý vị, chúng ta đã về thứ bảy trong hai mùa gần nhất. Điên rồ và vô lý hết sức. Tôi đến đây không phải để về thứ bảy. Đã đến lúc cùng nhau chấm dứt sự đại sỉ nhục này" (trích tự truyện Pirlo).
Nhưng nếu chỉ giỏi nói thì Conte đã không sở hữu đến chín danh hiệu dành cho các nhà cầm quân từ năm 2008 đến nay, trong đó ba mùa giải liên tục là HLV xuất sắc của Series A từ 2011-2012 đến 2013-2014.
Nếu như ở Juventus, thiên tài Conte thể hiện ở cách đặt Pirlo vào trung tâm của 3-5-2 nhằm tận dụng khả năng chuyền bóng siêu việt của cầu thủ này, thì ở đội Italy dự Euro 2016, dấu ấn của Conte nằm ở việc ông liệu cơm gắp mắm trong bối cảnh chỉ còn những cầu thủ dạng trung bình. Marco Verrati và Claudio Marchisio, hai cầu thủ sáng tạo nhất và đóng góp nhiều công sức ở vòng loại, đều chấn thương.
Trận ra quân gặp Bỉ, trong bối cảnh nhiều người đánh giá Italy thấp hơn hẳn dàn sao Eden Hazard, Kevin De Bruyne hay Romelu Lukaku..., Conte đã thành công trong việc sử dụng sơ đồ 3-5-2. Khi phòng ngự sơ đồ này chuyển thành 4-4-2, với Matteo Darmian lùi xuống trám vào vị trí hậu vệ cánh trái, Chiellini – Bonucci hình thành cặp trung vệ, còn Barzagli lệch sang phải.
Nếu ở Juventus, Pirlo chuyên thực hiện những đường chuyền dài, thì ở tuyển Italy, nhân vật đảm đương nhiệm vụ đó lại là ... một trung vệ: Leonardo Bonucci. Đỉnh cao chính là đường chuyền vượt tuyến của anh cho Giaccherini mở tỷ số vào lưới Bỉ. De Rossi, tiền vệ đẳng cấp duy nhất Conte còn trong tay đảm nhiệm vai trò “máy đếm nhịp”, trong khi Parolo và Giaccherini – giống Pogba và Vidal ở Juve – luôn tiềm ẩn khả năng bùng nổ khi phản công.
Dấu ấn của Conte còn nằm ở việc ông kết hợp bộ đôi Parolo – Giaccherini để hạn chế điểm yếu của nhau và khuếch đại điểm mạnh. Parolo là một tiền vệ có xu hướng đánh chặn, tắc bóng, không chiến tốt nhưng yếu về chuyền. Giaccherini ngược lại, thấp bé và không giỏi phòng ngự, nhưng cực nhanh, có khả năng chuyền bóng tốt. Qua ba trận đấu ở Euro 2016, Giaccherini sử hữu tỉ lệ chuyền chính xác đến 85,2%.
Điều tương tự xảy ra trên hàng công. Conte kết hợp một Grazianno Pelle có thể hình cao lớn, khả năng tì đè, không chiến tốt cùng kỹ năng dứt điểm bước một nhanh nhẹn như một con cáo (thuật ngữ là Foxes in the box) nhưng không mạnh rê dắt, với một Eder di chuyển thông minh. Phạm vi hoạt động của bộ đôi tiền đạo Italy cũng khu biệt rõ ràng: Pelle cắm sâu trong khu cấm địa, Eder lảng vảng ở ngay trước vạch 16m50, chờ đợi nếu hàng phòng ngự đối phương lùi xuống và co lại để phong toả Pelle cùng hai cầu thủ hậu vệ kiêm chạy cánh thì sẵn sàng tung ra những cú sút xa. Bàn thắng duy nhất trong trận gặp Thuỵ Điển là một tình huống như thế.
Dấu ấn cuối cùng của Conte là chọn thời điểm tung ra nhát dao quyết định. Hai bàn của Pelle vào lưới Bỉ và Tây Ban Nha đều đến sau phút 90, khi Italy chỉ dẫn 1-0 và đối phương dồn lên ép sân tìm bàn gỡ. Bàn của Eder vào lưới Thụy Điển là phút 88.
Vì sao Đức phải dè chừng Italy ở tứ kết
Đức và Italy là hai đội chơi ấn tượng nhất Euro 2016 cho đến lúc này. Cuộc chạm trán giữa hai đội ở tứ kết có thể nói là trận chung kết sớm của giải năm nay. Sức mạnh của Đức ra sao thì ai cũng đã rõ. Nhưng vấn đề là, đoàn quân của Joachim Low vẫn tồn tại những điểm yếu để Conte khai thác.
Thứ nhất, Đức không có trung phong xuất sắc như Miroslav Klose hay Oliver Bierhoff, Jurgen Klinsmann trước kia. Thomas Muller không phải mẫu tiền đạo kiểu đó, lại đang trải qua cơn khô hạn bàn thắng. Mario Gomez thậm chí không thể trụ lại Fiorentina. Nếu Robert Lewandowski mang quốc tịch Đức thì hai đội sẽ ngang bằng hơn. Nhưng đó chỉ là ước mơ của người Đức.
Thứ hai, cách chơi đẩy cao hàng hậu vệ của Đức là rất lí tưởng cho cái bẫy Conte giăng ra. Mấu chốt ở đây sẽ là vai trò của Kevin Boateng – Matt Hummels, Toni Kroos cùng thủ môn Manuel Neuer bên phía Đức và Bonucci, De Rossi, Parolo - Giaccherini, Pelle cùng Eder bên phía Italy. Những đường chuyền dài phản công từ sân nhà của Bonucci sẽ gặp khó khăn nếu Neuer lao ra khỏi vòng cấm để tranh chấp với Pelle. Để Bonucci rảnh chân chuyền bóng, Parolo sẽ phải đảm nhiệm tốt vai trò bảo vệ phía trên. Khả năng che chắn, bít các lỗ hổng của hàng tiền vệ, hậu vệ Italy cũng sẽ được thử thách trước chân chuyền siêu hạng Kroos, người rất giỏi nhìn ra kẽ hở dù là nhỏ nhất.
Cuối cùng, bộ ba Barzagli (hoặc Ogbonna) – Bonucci - Chiellini của Italy dù vô cùng chắc chắn nhưng đều đã già (tổng số tuổi 95) và chậm chạp. Đó sẽ là điểm yếu để những cầu thủ tốc độ, kỹ thuật, khả năng xuyên phá tốt như Julian Draxler, Mario Gotze, Leroy Sane... khai thác. Conte chỉ có ba ngày để nghiên cứu các giải pháp khắc phục. Thực tế thì Juventus với hàng thủ như thế đã thất bại trước Barcelona trong trận chung kết Champions League 2014-2015 với những cầu thủ có tố chất tương tự. Tuy nhiên, sẽ là chênh lệch nếu so sánh các tiền đạo Đức hiện nay với đẳng cấp của bộ ba Messi – Suarez – Neymar.