Sáu bài hát trong Giai điệu tự hào tháng 9: Bài ca hy vọng là những ca khúc bước ra từ phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” thập niên 60 – 70. Đồng thời, với sự làm mới hoàn toàn, 6 ca khúc này cũng chính là những phá cách táo bạo của giám đốc âm nhạc Quốc Trung.
Mở đầu chương trình, câu hát quen thuộc “Dậy mà đi, dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!” vang lên với giọng ca của những cụ bà, cụ ông từng trực tiếp tham gia phong trào xuống đường của thanh niên miền Nam, nay hoạt động tại Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh cùng 3 ca sĩ trẻ: Thái Châu, Hà My và Đinh Tuấn Khanh.
Tiếp nối “Dậy mà đi” là sự đột phá trong phong cách trình diễn của ca sĩ Trần Thu Hà với ca khúc chủ đề - “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký.
Là tên tuổi “đóng đinh” với những bản tình ca, cách xử lý của Hà Trần đối với một ca khúc cách mạng cũng khác rất nhiều so với những người thể hiện trước đó. Sự du dương, ngân nga của một giọng nữ thanh thoát, kết hợp cùng tiếng piano mượt mà của nhạc sĩ Quốc Trung đã tạo nên một phần trình diễn nhẹ nhàng, thư thái và tươi mới.
Ca khúc "Bài ca hy vọng" với sự thể hiện mới lạ của ca sĩ Trần Thu Hà (Nguồn: Youtube Giai điệu tự hào)
Có thể sự phá cách này không làm vừa lòng tất cả tai nghe nhạc, nhạc sĩ Lê Hoàng cũng đã đưa ra nhận xét thẳng thắn: “Tôi không thấy hay!”.
Còn tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, với tư cách là một thành viên trong gia đình miền Nam tập kết ra Bắc, từng chứng kiến cha mẹ mình rơi nước mắt khi nghe “Bài ca hy vọng” lại chia sẻ: “Dù biểu diễn với phong cách mới bởi bạn ở một hoàn cảnh khác, nhưng tôi vẫn cảm nhận được ở giọng hát của Hà một khát vọng lớn lao vào hòa bình.”
Màn trình diễn ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” đã tái hiện lại hình ảnh xuống đường của thanh niên miền Nam trong thời kì thập niên 60 – 70 với những banner, khẩu hiệu, với những tờ truyền đơn liên tục được tung lên giữa bài múa đầy mạnh mẽ.
Âu Bảo Ngân - Sơn Hải với "Hát cho dân tôi nghe"
Ca khúc quen thuộc “Nối vòng tay lớn” với cách phối post-rock được vang lên trong khung cảnh khói lửa thực sự, mỗi người trình diễn trên sân khấu đều cầm theo mình một ngọn đuốc trên tay.
NSND Trung Kiên cùng con trai - nhạc sĩ Quốc Trung và cháu gái Thiện Thanh cùng thể hiện ca khúc "Tự nguyện". (Nguồn: Youtube Giai điệu tự hào)
Có không ít ca khúc từng xuất hiện trong Giai điệu tự hào được coi là “đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình”, đặc biệt là các ca khúc mang tính chất cổ động.
Thế nhưng ở Giai điệu tự hào tháng 9 – nơi hội tụ hầu hết những ca khúc cổ động nổi tiếng một thời với sinh viên miền Nam nói riêng và thanh niên cả nước nói chung, người nghe dù ở lứa tuổi nào cũng có thể cảm nhận được sức tập hợp rất lớn, chưa hề suy giảm qua thời gian của những giai điệu hào hùng đó.
Thiếu tá Nguyễn Minh Cường đã chia sẻ trong chương trình: là người từng tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ, anh cảm nhận rằng tinh thần của “Tự nguyện”, “Dậy mà đi”, “Nối vòng tay lớn”… vẫn được thế hệ trẻ ngày nay gìn giữ và phát huy, đặc biệt trong những giây phút, những hoàn cảnh cần phải đồng lòng.
Đây là điều ta có thể dễ dàng chứng minh. “Dậy mà đi” đã từng vang lên trên khán đài khi những cầu thủ của đội tuyển quốc gia Việt Nam ngã xuống trên sân cỏ trong trận bóng với đội tuyển nước bạn.
“Tự nguyện” cũng từng tạo hiệu ứng không nhỏ sau khi được Nhật Thủy trình bày trên sân khấu chung kết của Vietnam Idol 2013, giữa thời điểm Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tiến sĩ Khảo cổ Nguyễn Thị Hậu nói: dù được phối theo cách nào thì điều quan trọng nhất là “những người thể hiện vẫn có thể truyền cảm hứng đến với người nghe thuộc lứa tuổi của mình”.
Người trẻ có kiểu hát của người trẻ, những bậc lão thành cũng có kiểu hát riêng của mình. Nhưng trên tất cả, khi tinh thần của người Việt Nam thuộc mọi thế hệ được đoàn kết lại qua chung một câu hát, “vòng tay” được kết lớn mãi để “nối sơn hà” thì không có gì dân tộc ta không thể làm được, đúng như câu hát cuối cùng của “Bài ca hy vọng”: “Mùa đông và mây mù, sẽ tan…”
“Hát cho đồng bào tôi nghe” hay “Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi cùng hát” là một phong trào đấu tranh đòi hòa bình trong Chiến tranh Việt Nam dưới hình thức văn nghệ, âm nhạc, thơ ca, nằm trong phong trào đấu tranh đô thị (đặc biệt ở Sài Gòn) trên trận tuyến văn hóa, tư tưởng, được tổ chức bởi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam.
Về chính trị, phong trào này vận động người dân đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, phản đối Mỹ leo thang chiến tranh, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Về văn hóa, phong trào này cổ vũ tinh thần yêu nước, chống văn hóa đồi trụy, lai căng và các khuynh hướng văn nghệ phi dân tộc.