Giai điệu tự hào tháng 10: Hát với “hồn Hà Nội” không dễ

Giai điệu tự hào tháng 10: Hát với “hồn Hà Nội” không dễ
TPO - Với “Sẽ về Thủ đô”, “Hướng về Hà Nội”, “Nhớ về Hà Nội”… và đặc biệt là “Người Hà Nội”, Giai điệu tự hào tháng 10 có thể được coi là món quà mùa thu dành cho những người có tình yêu đặc biệt với đất kinh kỳ.

Năm bài hát về Hà Nội trong Giai điệu tự hào tháng 10 thực sự là thử thách đối với những ca sĩ thể hiện, bởi trên cả việc phải thể hiện đúng những gì thuộc về bài hát, họ còn phải hát sao cho ra, thể hiện sao cho trọn cái “hồn” Hà Nội.

Hai ca khúc mở đầu “Sẽ về Thủ đô” và “Hướng về Hà Nội” đã tạo ra những tranh cãi không nhỏ khi một số ý kiến cho rằng, đây không phải bài hát về Hà Nội, bởi ngoài tên những địa danh được nhắc đến trong bài, toàn bộ bài hát không thể hiện được “chất” Hà Nội.

Giai điệu tự hào tháng 10: Hát với “hồn Hà Nội” không dễ ảnh 1 NSƯT Quang Lý trình bày ca khúc "Sẽ về Thủ đô", thể hiện nỗi nhớ của người đi xa gửi về Hà Nội yêu dấu: "Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời – Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó". Ảnh: giaidieutuhao.com.vn.
Giai điệu tự hào tháng 10: Hát với “hồn Hà Nội” không dễ ảnh 2

NSƯT Thanh Lam thể hiện giọng ca nội lực của mình với "Hướng về Hà Nội". Ảnh: giaidieutuhao.com.vn.

Việc lựa chọn 2 ca khúc đó có lẽ là dụng ý của những người thực hiện chương trình. Bởi hát về một địa danh không chỉ là hát về những gì thuộc về địa danh đó. Nhạc sĩ, ca sĩ hoàn toàn có thể cất lên giai điệu về nỗi nhớ Hà Nội, tình yêu Hà Nội để người nghe tìm trong lời ca một sự đồng cảm và cùng hướng về Thủ đô yêu dấu.

Cũng là nỗi nhớ, nhưng “Nhớ về Hà Nội” không thể hiện nỗi nhớ mơ hồ, một nỗi nhớ chung mà niềm hoài thương đã gắn chặt hơn những nét đẹp Hà Nội cụ thể: Tiếng tàu điện, hương hoa sữa, những cơn mưa dài cuối đông…

Giai điệu tự hào tháng 10: Hát với “hồn Hà Nội” không dễ ảnh 3

Khi thể hiện ca khúc "Nhớ về Hà Nội", ca sĩ Văn Mai Hương buộc phải cố gắng để thoát khỏi cái bóng quá lớn của "đàn chị" Hồng Nhung. Ảnh: giaidieutuhao.com.vn.

Phần biểu diễn của ca sĩ trẻ Văn Mai Hương được đạo diễn Lê Hoàng nhận xét: “Giọng của Văn Mai Hương rất có cảm xúc, nhưng trong xử lý ở phần cuối bài hát có sự run rẩy. Đó là sự run rẩy của người trẻ khi hát ca khúc không phải “tủ” của mình, nhưng tôi chắc chắn rằng trong đó vẫn chứa đầy cảm xúc”.

Bài hát "Nhớ về Hà Nội" với phần thể hiện của ca sĩ Văn Mai Hương.
Nguồn: Youtube Giai điệu tự hào.

Là ca khúc duy nhất không có chữ “Hà Nội” trong tiêu đề, bài hát “Gửi người em gái miền Nam” do ca sĩ Tùng Dương thể hiện là phần trình diễn nhận được nhiều lời khen ngợi nhất từ cả 2 hội đồng khách mời lớn tuổi và trẻ tuổi.  

“Tùng Dương hát cực kì hay!”, PGS, TS. Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ. Biên đạo múa Trần Ly Ly cũng chia sẻ: “Tùng Dương đã thể hiện được sự hào sảng mạnh mẽ. Ở bài hát vẫn có chất ma mị, chất liêu trai nhưng vẫn có sức mạnh của tuổi trẻ.”

Giai điệu tự hào tháng 10: Hát với “hồn Hà Nội” không dễ ảnh 4

Nam ca sĩ Tùng Dương ma mị nhưng vẫn đầy mạnh mẽ với "Gửi người em gái miền Nam".
(Ảnh: giaidieutuhao.com.vn)

Ca sĩ Tùng Dương thể hiện ca khúc "Gửi người em gái miền Nam". Nguồn: Youtube Giai điệu tự hào.

Ca khúc cuối cùng, đồng thời cũng chính là ca khúc chủ đề của Giai điệu tự hào tháng 10 – “Người Hà Nội” vang lên với sự thể hiện của 4 giọng ca đẳng cấp: NSƯT Quang Lý, NSƯT Thanh Lam, ca sĩ Trần Thu Hà và ca sĩ Tùng Dương. Bốn danh ca đã mang đến một Hà Nội rất khác, vẫn những cửa ô, những phố cổ nhưng cách thể hiện đã không còn cổ điển và xưa cũ.

Người nghe thường biết đến “Người Hà Nội” được thể hiện qua những dàn hợp xướng, nhưng ở Giai điệu tự hào tháng 10, ca khúc ấy đã được thể hiện qua 4 sắc thái tình cảm đa dạng: mở đầu bằng một Tùng Dương hào sảng, mạnh mẽ, tiếp đó là một Hà Trần trong sáng, tươi vui, kết hợp với sự trầm ấm của giọng ca NSƯT Quang Lý và trào dâng cảm xúc với giọng ca nội lực của NSƯT Thanh Lam.

Giai điệu tự hào tháng 10: Hát với “hồn Hà Nội” không dễ ảnh 5

Bốn giọng ca lớn cùng góp giọng trong "Người Hà Nội". Ảnh: giaidieutuhao.com.vn.

Ca khúc "Người Hà Nội". Nguồn: Youtube Giai điệu tự hào.

Cũng giống nhiều số trước đó, ở Giai điệu tự hào tháng 10, việc làm mới các ca khúc cũng tạo ra ít nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt ở những người mang trong mình tình yêu đặc biệt với nét đẹp Hà Nội cổ xưa.

Thế nhưng, những gì thuộc về Hà Nội vẫn thường là những thứ khó định nghĩa, từ “giọng Hà Nội”, đến “hồn Hà Nội”, “chất Hà Nội”… Một bài hát có “chất Hà Nội” không, giọng ca thể hiện được “hồn Hà Nội” không, điều đó tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người.

Hà Nội cũng giống rất nhiều địa danh khác, có những điểm riêng, không trùng lặp. Và tình yêu Hà Nội của mỗi người cũng thế. Những nhạc sĩ, ca sĩ, dù không xuất thân từ Hà Nội, nhưng họ vẫn có thể hát và sáng tác ca khúc rất hay về Hà Nội, dựa trên những tình cảm của chính mình.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.