Giá xăng tăng đe doạ lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
TPO - CPI 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu đã tác động làm tăng 0,98 điểm phần trăm. Tổng cục Thống kê ước tính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2021 sẽ rơi vào khoảng trên dưới 2%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 29/10, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, nếu tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 18 đợt, bình quân tháng 10/2021 tăng 43,92% so với tháng 12/2020, làm CPI chung tăng 1,58 điểm phần trăm.

Tháng 10/2021, giá xăng, dầu trong nước chịu ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh tăng vào ngày 25/9, 11/10 và 26/10 theo giá nhiên liệu thế giới. Trong đó, giá xăng A95 tăng 2.940 đồng/lít so với tháng trước, xăng E5 tăng 2.970 đồng/lít, dầu diezen tăng 2.690 đồng/lít làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tháng 10/2021 tăng 2,51% so với tháng trước, tác động làm CPI tăng 0,24 điểm phần trăm. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

Bà Oanh đánh giá, giá xăng, dầu hiện đang ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, tác động tới các ngành vận tải, làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tác động tới hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Theo đó, chi phí sản xuất của doanh nghiệp lên cao sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó gây áp lực lạm phát.

Đối với mặt hàng xăng dầu, bà Oanh cho rằng, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp đề xuất các giải giáp giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung.

CPI tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% (khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,21%). Tháng 10/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 3 nhóm giảm giá so với tháng trước, 8 nhóm tăng giá.

Tình hình COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm.

Nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang Thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp (hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch) là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020.

Tuy nhiên, nhóm giao thông lại tăng 2,51% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm).

Nhóm giáo dục tăng 0,25% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,22% do một số địa phương tăng học phí mầm non.

Nhóm đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép tăng trên 0,1%.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn bật tăng
Giá vàng nhẫn bật tăng
TPO - Sáng nay (30/10), giá vàng nhẫn bán ra bật tăng trở lại lên mốc 89 triệu đồng/lượng, bằng giá vàng miếng SJC. Tuy nhiên, giá mua vào vàng nhẫn của doanh nghiệp kinh doanh vàng đang cao hơn giá vàng miếng.