Trong phần đề từ cuốn sách, Trần Tiến Dũng nói, với mọi người đàn ông trưởng thành khi đã rời thiên đường bếp lửa thiêng liêng của người mẹ, phép màu cuộc sống quý nhất mà anh ta muốn được ban tặng chính là những món ngon mặn mòi từ người cùng sống đời ở kiếp với anh. Trần Tiến Dũng không nhìn món ăn đơn thuần chỉ là những nguyên liệu thực phẩm sau chế biến được dọn ra trên bàn ăn ở quán tiệm, gia đình. Từng khứa cá miếng thịt, rau củ... chẳng phải là đã tới với con người từ bầu trời, mặt đất, lòng nước cao cả và không gian văn hóa sâu sắc đó sao! Người ta vẫn nói về nghệ thuật nấu ăn, vậy thì sự sáng tạo nên bộ môn nghệ thuật thuần khiết nhất của loài người này không hề ở ngoài cấu trúc - tấm lòng - ân cần của người nấu ăn dâng tặng đến người thưởng thức. Cấu trúc - tấm lòng - ân cần được thể hiện ở những nghệ sĩ nấu ăn trong lịch sử ẩm thực từ xa xưa hay đang đồng hành với chúng ta hôm nay, dẫu họ vô danh hay hữu danh, họ đều là nghệ sĩ bậc thầy. “Tôi sinh ra ở miền Nam, trưởng thành ở đô thị Sài Gòn, khẩu vị chọn món ngon của tôi luôn nóng hổi trong không gian đó. Mỗi khi tôi đói và nhất là khi tôi thấy thèm ăn, cảm giác tôi ưu tiên muốn thỏa mãn chính là những món ngon quen thuộc từ gia vị đậm đà bản sắc quê nhà và đô thị đa văn hóa ẩm thực thân quen.
Nhưng trên hết, để một món ngon được ngon hơn chính là tôi phải nêm thêm gia vị cảm xúc của mình; dù là người sành ăn hay người ăn chỉ cầu no thì gia vị cảm xúc ký ức và cảm xúc thực tại luôn là gia vị chính. Tôi tin, mỗi khi nhớ lại cảnh khổ đã qua hay kể lại hạnh phúc êm đềm, trong kho các hình ảnh của mỗi người luôn sáng rõ các món ăn hoặc dở hoặc ngon nhưng chắc chắn sự no và ngon có được nhờ việc nêm thêm cảm xúc cho món ăn đã giúp chúng ta thêm ham sống”.
Từ hủ tíu, canh chua cá kèo, cháo vịt… đến bánh mỳ hay chuối nướng, cà phê vợt, trà đá… Tất cả các món ăn thức uống quen thuộc của đất Sài Gòn đó đều được Dũng “cảm” theo cách riêng mình, và ít nhiều mang sự khác biệt.
Gia vị cảm xúc, với mỗi người Việt đã được sinh dưỡng thuần khiết, tinh tế từ bếp lửa gia đình, làng mạc, đường phố, đó là nền chuẩn để thẩm định một tác phẩm món ngon đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau; thiếu điểm tựa đó chúng ta sẽ là nô lệ của các thương hiệu thức ăn nhanh thời thượng.
Để rồi từ đó, người ta cũng nhận thấy rằng, không có sự văn chương nghệ thuật nào có thể tồn tại nếu các món ăn từ bữa ăn thường ngày không hàm dưỡng cho chúng ta những chi tiết cốt lõi của sự sống.