Theo cập nhật của Reuters, giá vàng vọt lên mức cao kỷ lục gần 2.600 USD/ounce sau khi Fed quyết định hạ mức lãi suất xuống 50 điểm cơ bản. Nhưng đến trưa 19/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới bắt đầu giảm và trở lại ổn định ở mức 2.559 USD.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng gần tám điểm cơ bản so với ngày trước đó lên 3,719%. Đồng USD tăng gần 1%, lên mức 143,55 yên/1 USD. Giá đồng bạc xanh cũng tăng mạnh so với đồng euro, lên mức 1,1097 USD/1 euro.
Ngoài ra, thị trường ghi nhận lợi suất trái phiếu dài hạn và cổ phiếu châu Á tăng nhanh. Chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục qua đêm, giá cổ phiếu tương lai tăng 0,67%. Giá của Nasdaq tăng 1%. Nikkei của Nhật Bản tăng đến 2,5%. Thị trường chứng khoán ở Australia và Indonesia cũng đạt mức cao kỷ lục.
Thị trường biến động sau khi Fed cắt giảm lãi suất. |
Chỉ số MSCI rộng nhất của cổ phiếu Châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản tăng 0,3%. Cổ phiếu Hong Kong(.HSI) và Trung Quốc (.CSI300) ghi nhận mức tăng lớn dựa trên quan điểm cho rằng Bắc Kinh có nhiều khả năng triển khai các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế hơn sau chính sách của Fed.
Việc cắt giảm lãi suất của Fed dự kiến hỗ trợ chi tiêu và nền kinh tế Hoa Kỳ, đồng thời khuyến khích các ngân hàng trung ương khác cắt giảm lãi suất. "Quyết định của Fed cho thấy họ nhận định nền kinh tế hoạt động ổn. Đây không phải đợt cắt giảm 50 điểm trong hoản loạn", Jason Wong - chiến lược gia của BNZ tại Wellington - cho biết.
Trên khắp khu vực, lãi suất thấp hơn của Mỹ về cơ bản tạo điều kiện cho thị trường mới nổi cắt giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ tăng trưởng.
Ngân hàng Indonesia hành động trước Fed vài giờ, với mức cắt giảm 25 điểm cơ bản vào thứ tư. Ngân hàng Anh họp muộn hơn vào thứ năm và được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5%, đặc biệt là sau khi số liệu cho thấy lạm phát dịch vụ tăng vào tháng 8.
Ngân hàng Nhật Bản đưa ra chính sách vào thứ sáu và dự kiến giữ nguyên lãi. Tuy nhiên, nhiều khả năng Nhật tăng lãi suất vào tháng 10.