Hàng trăm năm trước, đàn violin do nghệ nhân người Italy Antonio Stradivari (1644 - 1737) tạo ra được xem là tốt nhất thế giới. Một vài cây đàn Stradivarius có giá lên đến hàng triệu USD, theo Fox News. Một nghệ nhân khác cũng tạo ra những cây đàn khác có âm thanh hoàn hảo không kém là Giuseppe Guarneri (1698 - 1744), sống tại thành phố Cremona, phía bắc Italy.
Trước đây, nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích lý do khiến đàn của hai nghệ nhân bậc thầy Stradivari và Guarneri không thể bị sao chép một cách hoàn hảo, nhưng tất cả đều không có bằng chứng thuyết phục.
Trong nghiên cứu mới đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) cuối tháng 11, các nhà khoa học Đài Loan (Trung Quốc) phân tích một số mảnh gỗ cây phong trên 4 cây đàn violin, cello của Stradivarius và một cây đàn violin của Guarneri. Họ phát hiện thấy gỗ phong được sử dụng để làm những cây đàn của Stradivari và Guarneri có đặc tính hóa học rất khác biệt so với gỗ phong trong các công cụ hiện đại.
Cả hai nghệ nhân đều ngâm gỗ làm đàn trong bồn nước khoáng chứa nhôm (AI), canxi (Ca), đồng (Cu), natri (Na), kali (K) và kẽm (Zn) để ngăn ngừa hiện tượng mục nát và chống mối mọt. "Đây là phương pháp khác lạ mà các nhà chế tạo violin sau này không hề biết đến", nhóm nghiên cứu cho biết trên tờ Washington Post.
Tuy nhiên, New York Times cho rằng loại gỗ phong làm ra những cây đàn triệu USD này nhiều khả năng đã được thợ chặt gỗ ngâm hóa chất trong rừng, chứ không phải là bí quyết của các nghệ nhân làm đàn để tạo ra những nhạc cụ hoàn hảo.