Gia tăng trẻ loạn thần vì áp lực học tập

Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do học tập.
Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do học tập.
TP - Các bác sĩ cảnh báo, tỷ lệ trẻ em bị rối loạn cảm xúc và loạn thần do áp lực học tập đang ở mức báo động. Nghiên cứu mới  đây của các nhà tâm thần học tại 5 trường học lớn ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ trẻ có nguy cơ rối loạn cảm xúc là 5%, trong đó 2% số học sinh cần điều trị tại cơ sở y tế.

Hậu quả khó lường

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân Trương Quang Đ. 16 tuổi (ở Trần Phú, thành phố Bắc Giang) được các bác sĩ chẩn đoán rối loạn cảm xúc. Đ. nhiều năm được là học sinh giỏi và dẫn đầu trong một lớp chọn tại một trường tuyến tỉnh. Hai năm trở lại đây, gia đình thấy trẻ không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, không muốn học, sợ đi học, hay bị đau đầu. Bố mẹ động viên thì Đ. bực tức, khóc lóc. Kết quả học tập những năm gần đây giảm sút. Ngoài ra Đ. ăn kém, cơ thể gầy đi, ngủ hay gặp ác mộng, giật mình vào ban đêm, cảm xúc thay đổi, hay cáu giận vô cớ.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, ở trẻ em sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ, dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress này. Cháu Đ. là con một trong gia đình trí thức, nên từ nhỏ cháu đã được bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng, và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Bố mẹ thường mong mỏi con mình phải học thật giỏi, nhưng không biết rằng những mong mỏi quá cao đó đồng nghĩa với việc đã tạo cho các em một áp lực lớn.

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, có một số trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do chính bản thân các em tạo áp lực cho mình. Những bệnh nhân này luôn trong trạng thái học tập căng thẳng, sợ thua kém bạn bè. Nhiều bệnh nhân gần ngày thi mới học dồn, học ngày, học đêm nên không đủ thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí, có bệnh nhân chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/ngày dẫn đến quá trình học tập bị giảm sút. Để đối phó với việc thức đêm, các em lại lạm dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá mà không chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng và năng lượng phù hợp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên. Các em luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải gồng mình lên để chống đỡ với những áp lực học và thi khiến các em có những biểu hiện rối loạn cảm xúc như ăn kém, ngủ ít, cảm giác kiệt sức, lo lắng căng thẳng quá mức, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, đau dạ dày, suy nhược cơ thể…

Có nhiều em học sinh vì không chịu được áp lực quá nặng nề, thiếu sự hỗ trợ quan tâm từ phía gia đình đã phản ứng lại với áp lực bằng những cách tiêu cực như nản chí, không học nữa, hoặc bỏ nhà đi để trốn tránh áp lực, nhiều em có biểu hiện rối loạn tâm thần, nặng nề nhất là học sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát.

Chữa khỏi nếu phát hiện sớm

Để điều trị cho những bệnh nhân này, theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, việc đầu tiên là phải tách trẻ khỏi những áp lực đó, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Trong quá trình nuôi dạy con, các bậc cha mẹ cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho các em để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Trang bị cho con kỹ năng sống, giúp con thích ứng với stress. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em học, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với các em.

Theo các chuyên gia, điều trị các rối loạn tâm thần liên quan đến áp lực học và thi phải tùy theo mức độ và tùy theo rối loạn mà có phác đồ điều trị phù hợp. Cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện những trường hợp có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, hay bệnh nhân loạn thần. Bác sĩ khuyến cáo, rối loạn cảm xúc do áp lực thi hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, các bậc cha mẹ cần phải đưa các em đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Tránh thái độ kỳ thị và tự ý mua thuốc bên ngoài để uống hoặc cúng bái, tin tưởng vào các đấng siêu nhiên.

“Trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên”

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện sức khoẻ Tâm thần

MỚI - NÓNG