Gia tăng học sinh trầm cảm sau dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý cảnh báo gia tăng tình trạng học sinh trầm cảm sau thời gian học trực tuyến kéo dài bởi thực tế nhiều em có biểu hiện thu mình, ngại giao tiếp xã hội và cảm thấy thiếu động lực học tập.

45,8% học sinh thiếu động lực học tập

Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở A (Hà Nội) vừa khảo sát tâm lý học sinh cho thấy, các em gặp nhiều khó khăn cả trong học tập, quan hệ với bố mẹ, người thân, ứng xử với bạn bè và ngay cả chính hoạt động cá nhân.

Cụ thể, có 52% học sinh trả lời khó tập trung khi học trực tuyến; 41,2% em cho rằng học trực tuyến rất chán; 45,8% em thiếu động lực học tập và gần một nửa số học sinh tham gia khảo sát khẳng định, học kém hơn so với học trên lớp. 21,2% học sinh cho rằng các em gặp xung đột với bố mẹ nhiều hơn trước, 16,4% cảm thấy không thích gần gũi với bố mẹ và bị bố mẹ quản lý thiết bị điện tử thường xuyên. Đặc biệt, hơn 56% học sinh tiết lộ lười vận động hơn trước. 26% em cảm thấy rất khó chịu khi không được tham gia các hoạt động vận động như thể dục thể thao. Đáng nói, có gần 35% học sinh cho biết, khi ở nhà nhiều, buồn chán, các em ăn nhiều dù không đói để lấp khoảng trống nhàm chán.

Gia tăng học sinh trầm cảm sau dịch COVID-19 ảnh 1

Phụ huynh cho biết, trẻ có biểu hiện thu mình, ngại giao tiếp sau một thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: Quỳnh Anh

Ngoài ra, 66,5% học sinh cũng cho biết, các em dành nhiều thời gian cho mạng xã hội khi dùng điện thoại; hơn 33% em dùng mạng chơi điện tử.

Học sinh đề xuất, giáo viên nên giảng bài kỹ hơn, tổ chức thành nhiều trò chơi hấp dẫn khi dạy trực tuyến và cần ít giao bài tập hơn.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Cố vấn chuyên môn cao cấp của trường cho biết, có 43,8% học sinh trả lời, sau một thời gian học trực tuyến đã dần quen nên thích phương thức này hơn học trực tiếp. Rõ ràng, học sinh đã bị ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần khiến suy giảm các kỹ năng giao tiếp, tương tác với bạn bè, thầy cô. Vốn dĩ, một đứa trẻ rất cần đến các hoạt động vận động, giao tiếp để phát triển, nay buộc phải ở trong không gian chật hẹp quá lâu sẽ bị tù túng, tư duy trì trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần. Nếu chất lượng học tập, giáo viên có thể dạy bù, bổ sung thì vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần khó có thể một sớm một chiều có giải pháp khắc phục, nhất là những em bị trầm cảm, lo lắng kéo dài vì những áp lực dồn nén.

Trẻ thu mình, ngại giao tiếp

Ông Nguyễn Thành Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện thực tế hiện nay bố mẹ rất khó để “kéo” con ra khỏi nhà. "Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì đó chính là biểu hiện con thu mình, ngại giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải sát sao từng học sinh để nếu các em gặp "vấn đề" kịp thời hỗ trợ tâm lý, tránh để chuyện tiêu cực xảy ra.

Nhiều phụ huynh cũng cho biết, họ bối rối khi con đã quen với “thế giới mạng” và lười ra ngoài. Mỗi ngày, học sinh ngồi trước máy tính, điện thoại từ 10-12 giờ đồng hồ, trong đó có khoảng 6-8 giờ học trực tuyến, thời gian còn lại con chơi điện tử, mạng xã hội.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa (Hà Nội) nói: “Điều lo lắng nhất không phải là chất lượng học tập mà chính là tâm lý lo âu, căng thẳng của học sinh. Hiện nay, trường thiết kế chương trình học chính buổi sáng, buổi chiều dành 2 giờ cho sinh hoạt CLB trực tuyến và thể dục nhưng khó có thể bù đắp”.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, phương thức học trực tuyến không đạt hiệu quả như mong muốn nhưng cha mẹ, giáo viên lại có những kỳ vọng, áp đặt lên học sinh sẽ khiến các em rơi vào trạng thái lo âu, buồn chán dẫn đến gia tăng stress. Nếu để tình trạng kéo dài, trẻ có thể có những suy nghĩ tiêu cực.

TS Nguyễn Thành Nhân, chuyên gia tâm lý (TP HCM) cảnh báo: Học trực tuyến và trẻ ở nhà kéo dài, mất các mối giao tiếp xã hội sẽ khiến các em bị tâm lý ức chế thần kinh. Bố mẹ thấy con trở nên ù lì, thụ động, “ngán giao tiếp”, dễ cáu gắt và có xu hướng sống nội tâm hơn. Nặng hơn nữa thì dễ phát triển thành bệnh lý như trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn lo âu... “Một số trẻ chơi điện tử, dùng mạng nhiều cũng có nguy cơ nghiện và khi trở lại trường học trực tiếp sẽ gặp khó khăn, dễ bị rối loạn, khó chịu và phản kháng”, TS Nhân cảnh báo.

Theo Bộ GD&ĐT, đến đầu tháng 12/2021, chỉ có 9 địa phương dạy học trực tiếp, còn lại các địa phương kết hợp dạy trực tuyến, trực tiếp và truyền hình. Đặc biệt, Hà Nội, TPHCM đa số các khối lớp học trực tuyến đến nay gần hết học kỳ I.

MỚI - NÓNG