Tiêu chảy, dịch tả: Nhỏ nhưng không nhỏ
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1,5 tỷ trẻ em bị tiêu chảy trong đó có 1,5 đến 2,5 triệu trường hợp tử vong do tình trạng mất nước dẫn đến suy kiệt và trụy mạch. Tại Việt Nam, dịch tiêu chảy luôn là môt trong những dịch bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong hàng đầu cho trẻ em.
Tiêu chảy, nặng hơn là dịch tả là căn bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng đường tiêu hóa khi sử dụng thực phẩm, thức uống bị nhiễm bẩn, không đảm bảo vệ sinh.\
Theo một khảo sát mới của Viện thực phẩm chức năng Việt Nam với 9 mẫu thử thức ăn ngoài đường phố thì kết quả cho thấy 8 mẫu chứa E.coli - loại khuẩn gây nên bệnh tiêu chảy và dịch tả phổ biến, và 9 mẫu thử này đều chứa khuẩn B.cereus, vi khuẩn gây ra các loại ôi thiu thức ăn, nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tiêu chảy.
Cũng từ kết quả xét nghiệm trên có 3 mẫu chứa kim loại nặng như chì, cadmi, thủy ngân, chất nhuộm Rhodamine B vượt giới hạn cho phép.
Theo các chuyên gia nguyên tố chì có trong thực phẩm “bẩn” sẽ gây ức chế enzym tổng hợp máu dẫn đến phá vỡ hồng cầu, tương tác cùng với các vitamin và khoáng chất khác trong cơ thể gây bệnh. Thủy ngân gây độc tế bào, nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiểm nghèo.
Cadmi nguy hiểm hơn khi làm rối loạn chức năng gan, thiếu máu, tăng huyết áp, dị dạng thai nhi… Còn chất nhuộm Rhodamine B sẽ gây tổn thương cho gan, thận, hệ thần kinh và là nguyên nhân của các bệnh ung thư liên quan đến các bộ phận tiêu hóa…
Ông Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Dùng thực phẩm có chứa chì có thể làm giảm khả năng sinh sản của cả nam và nữ, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn trao đổi chất, các tổ chức sống, các tuyến và các cơ quan nội tạng, làm mất cân bằng các hệ coenzym…
Mẹ mang thai bị ngộ độc chì thì con chắc chắn bị ngộ độc chì, đồng thời người mẹ dễ bị sảy thai, đẻ non. Chì đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ngay từ trong bào thai”.
Ung thư: Cái chết được báo trước
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo về một thảm họa sắp xảy ra với loài người khi tỷ lệ bệnh ung thư sẽ tăng đến 57% trong vòng 20 năm nữa. Trong khi đó, hiện tỷ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới mà nguyên nhân bị nghi ngờ là do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày.
Các nguồn ô nhiễm đó đến từ nhiều nguồn mà quan trọng nhất là các chất độc hại, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất hàng hóa nông sản. Quá trình này sẽ làm gia tăng nhiều loại ung thư nguy hiểm như ung thư vú, ung thư hạch, ung thư dạ dày, ung thư thực quản..
Ngoài ra, do trong quá trình bảo quản sản phẩm, vì lợi nhuận bán hàng mà nhiều người kinh doanh đã sử dụng hóa chất bảo quản vô tội vạ, vượt ngưỡng cho phép nhiều lần để thực phẩm tươi lâu hơn. Điều này vô cùng nguy hiểm, chất độc sẽ ngấm vào cơ thể người từ từ, tích tụ, đến thời điểm sẽ bộc phát thành bệnh.
Theo ông Trịnh Lê Hùng-chuyên gia hóa học đến từ Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ung thư không giống như những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn có thể phát hiện ra ngay.
Việc tích lũy bệnh là quá trình lâu dài, tùy theo cơ địa từng người. Nhưng có thể khẳng định rằng việc tiêu thụ vào cơ thể lượng thực phẩm nhiễm độc càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng lớn, một tháng, một năm hay hay vài năm sau mới phát hiện ra.
Tuy nhiên, không thể “trốn” được ung thư nếu con người vẫn tiếp tục sử dụng những thực phẩm “bẩn” như hiện tại”.