Tuy nhiên, những con số ấn tượng như 87 đơn vị xuất bản, phát hành tham gia, với khoảng 30.000 đầu sách cùng 36 cuộc giao lưu, tọa đàm, hội thảo... cũng không át được cái không khí vắng vẻ, đìu hiu.
Đến hội sách để mua… phụ kiện
Thường, vào ngày thứ hai sau khi khai hội là thời điểm thu hút khách đến đông nhất. Tuy nhiên, ở hội sách lần này lại khá vắng vẻ. Khách đến hội đã ít, chủ yếu lại chỉ đi dạo và… xem. Có những gian hàng của các nhà xuất bản giảm giá đến 50%- 70% các đầu sách nhưng tình hình cũng không khả quan. Chỗ đông người mua nhất, lại là các gian hàng bán đồ lưu niệm, túi xách, quạt giấy, sổ tay…
Và để cạnh tranh người mua, năm nay nhiều gian hàng trở thành quầy bán sách tổng hợp. Sách gì cũng bán. Gian nào cũng như gian nào, không có bản sắc riêng. Chỉ cần đến một gian hàng, người ta có thể mua được tất cả các dòng sách của Nhã Nam, NXB Trẻ, Alpha Book…
Các nhà sách cũng tỏ ra không mặn mà với hội sách năm nay. Năm ngoái Tiki là một trong những nhà sách thu hút độc giả nườm nượp nhất thì năm nay bỗng dưng biến mất không tham gia. Gian hàng của Fahasa trong hội sách năm ngoái hoành tráng bao nhiêu thì năm nay lại tỏ ra dè dặt với một gian hàng nhỏ khiêm tốn.
Rất nhiều lý do tạo nên hình ảnh đìu hiu ấy: diễn ra vào ngày làm việc, thời tiết không đẹp, “bội thực” hội sách và quan trọng nhất là người Việt vẫn đang thờ ơ với văn hóa đọc.
Ở các nước trên thế giới, trên máy bay, tại các bến tàu, bến xe hay những lúc chờ đợi nhau, đi du lịch, người dân thường cầm trên tay một cuốn sách để đọc. Còn ở Việt Nam, xu hướng hiện nay là người dân dùng máy tính hoặc điện thoại để vào facebook đọc thông tin chứ không phải đọc sách.
Bàn về văn hóa đọc của người Việt Nam, nhiều người thường ví “tủ rượu” của người Việt và “tủ sách” của người Do Thái. Trong nhiều ngôi nhà ở Việt Nam, tủ rượu thường xuất hiện “bề thế” ở những nơi dễ nhìn thấy trong khi tủ sách có thể không được dành cho một vị trí nào, dù là khiêm tốn.
Ngập tràn sách giảm giá
Như rất nhiều hội sách khác từng diễn ra, ở hội sách tháng 4 ngập tràn sách giảm giá. Từ 10% đến 70%. Có nhiều cuốn chỉ 3.000 đồng, 5.000 đồng… Nghĩa là thấp hơn hoặc chỉ bằng tiền vé gửi xe vào hội sách.
Cũng có cái vui là độc giả được lợi. Đặc biệt là sinh viên có thể mua cho mình vài cuốn mà không phải đắn đo chuyện giá cả. Hơn nữa, các nhà xuất bản và công ty phát hành tư nhân dẫu sao cũng là những đơn vị kinh doanh. Kinh doanh quần áo hay sách thì đều phải tính đến lợi nhuận. Và đại hạ giá là một trong những cách bán hàng hiệu quả để họ thanh lý sách tồn, sách ế.
Tất nhiên, không phải cuốn sách giảm giá nào cũng là sách dở. Nhưng, sách giảm giá đến mức chỉ bằng một cốc trà đá vỉa hè thì… thảm quá. Bản thân các nhà văn cũng không tránh khỏi chút chạnh lòng khi nhìn thấy “đứa con tinh thần” của mình được bày bán ở hội sách với giá không quá 10.000. “Nhìn là biết ngay đơn vị phát hành đang muốn bán tống bán tháo sách ế đi. Nếu sách tôi đại hạ giá thế thì tôi buồn lắm, buồn mà chẳng trách ai được, lúc ấy chắc chỉ biết tự an ủi là thế càng tốt, sách của mình càng có cơ hội đến được tay độc giả, còn hơn bị tồn kho”- Nhà văn Di Li chia sẻ.
Đằng sau những cuốn sách giá rẻ còn là chiến lược chiêu dụ khách hàng của các nhà sách. “Khi biết có một nhà xuất bản bị ế sách và phải bán 5000/cuốn ở hội sách, tôi đã ngỏ ý muốn mua toàn bộ số sách ấy để đi làm từ thiện thì đã bị từ chối thẳng thừng vì họ phải để dành cho… hội sách sau. Họ muốn dùng những cuốn sách giá rẻ để làm mồi câu dụ độc giả đến gian hàng của mình, với hy vọng, sau đó độc giả sẽ bỏ tiền mua sách mới, với giá đắt”- Nhà văn Trang Hạ cho biết.
Tuy nhiên, con mồi nào thì câu cá đó, sẽ chẳng bao giờ với một con giun mà có thể câu được con cá mập. Cứ cho rằng, nhà sách có thể lôi độc giả đến với những cuốn sách giá rẻ đi chăng nữa thì rồi họ cũng chỉ có những độc giả tham hàng rẻ mà thôi. Trong khi đó, thị trường sách sống được là bởi những người hiểu về sách, thích đọc sách, hiểu được giá trị của cuốn sách, sẵn sàng bỏ tiền mua sách mà không quan tâm nhiều đến giá cả.
Làm thế nào để nhà nhà khoe tủ sách trong niềm tự hào thay vì khoe tủ rượu như một sự vênh váo về vật chất? Làm thế nào để bước ra bến chờ xe buýt, nhà ga, ghế đá công viên… được thấy hình ảnh những người dân cắm cúi bên trang sách như ở nước ngoài? Làm thế nào để hội sách không còn phải giảm giá đến kịch sàn, không còn phải dùng “chiêu trò” để thu hút độc giả, mà vẫn nườm nượp người mua sách? Đó luôn là bài toán khó với các nhà làm sách và cơ quan quản lý.