Gia nhập WTO: Ngân hàng trong nước và “cuộc chiến” trên sân nhà

Gia nhập WTO: Ngân hàng trong nước và “cuộc chiến” trên sân nhà
TP - Với lộ trình mở cửa trong vòng 7 năm theo cam kết cạnh tranh thị phần ngân hàng tại Việt Nam hứa hẹn sẽ rất gay gắt khi ngày càng có nhiều NHNNg muốn “nhảy” vào.
Gia nhập WTO: Ngân hàng trong nước và “cuộc chiến” trên sân nhà ảnh 1

Theo Trưởng đoàn đàm phán WTO Lương Văn Tự, gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu, trong 12 lĩnh vực dịch vụ, tài chính ngân hàng là cần đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản lý.

Ngân hàng ngoại ráo riết đổ bộ

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến nay các Ngân hàng nước ngoài (NHNNg) đã có mặt tại Việt Nam dưới các hình thức: 34 chi nhánh NHNNg, 4 NH liên doanh và trên 40 văn phòng đại diện đến từ hơn 10 quốc gia, hiện tập trung chủ yếu tại TP: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hầu hết các NHNNg có mặt tại VN đều trong Top 1.000 ngân hàng lớn trên thế giới.

Tăng trưởng nhanh, sinh lời, và thâm nhập sâu vào thị trường - đó là những dấu hiệu khởi sắc của các chi nhánh NHNNg tại Việt Nam thời gian qua. Mới đây, HSBC - NHNNg lớn nhất tại Việt Nam đã chính thức mua lại 10% vốn điều lệ của Techcombank để trở thành nhà đầu tư chiến lược của NHCP này. Trước đó, ANZ đã mua cổ phần Sacombank; Standard

Chartered mua cổ phần ACB, OCBC Singapore mua cổ phần của VPBank theo tỷ lệ 10% vốn điều lệ...Xu hướng này đang tiếp diễn rất khả quan với việc một số NHNNg  khác cũng đang tiếp cận và sẽ sớm tham gia các NHTMCP khác (giới quan sát đang dự đoán tới đây có thể là Citibank ở NHCP Đông Á -PV ).

Đặc biệt, các Cty tài chính nước ngoài cũng bắt đầu bày tỏ mối quan tâm và tìm hiểu để thành lập Cty tài chính 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Những cuộc “kết hôn” giữa NH “nội” và NH “ngoại”, theo các chuyên gia, chính là sự chuẩn bị khôn ngoan của các NHNNg để đặt chân vào thị phần vốn rất màu mỡ mà các NH nội đang chiếm giữ.

Trước thực tế này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi soạn thảo nghị định mua bán cổ phần NH trong giai đoạn hiện nay đã nhất quán: giữ nguyên hạn mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán  khống chế “room” ở mức 30% (các đối tác đàm phán WTO đã chấp nhận - PV).

Theo tính toán, đến cuối năm 2005, thị phần của các chi nhánh NHNNg xét về dư nợ khoảng hơn 9%, tăng gần 1% so với năm 2004. Tổng dư nợ của tất cả chi nhánh NHNNg tăng gần 30% so với năm ngoái, với tổng giá trị cho vay lên tới 49.000 tỷ VND; trong đó tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ hơn 0,1% xuống chỉ còn 0,06%.

Bên cạnh đó, huy động vốn của chi nhánh cũng tăng hơn 20%, chủ yếu từ nguồn tiền gửi (nhất là của tổ chức và doanh nghiệp);  tỷ lệ khách hàng là DN hiện nay trên 70%, thậm chí đến 100%.

Ngân hàng nội lo mất gì ?

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển NHNN, thách thức lớn nhất đối với các NHTM Việt Nam khi mở cửa đó chính là gia tăng áp lực cạnh tranh  ngay trên thị trường nội địa.

Điểm yếu của các NHTM “nội” là quy mô tài chính của các NH còn rất nhỏ (trung bình từ 20 đến 250 triệu USD - PV); nợ xấu của các NH Việt Nam theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế còn lớn; 5 NHTMNN chiếm thị phần tín dụng đến 75% nhưng tổng vốn tự có cũng chỉ trên 1 tỷ USD, chưa đạt hệ số an toàn vốn tối thiểu (8%), khả năng tăng vốn và xử lý nợ xấu của các NHTMNN còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ của các NH trong nước còn đơn điệu, tính tiện ích chất lượng chưa cao.

Theo yêu cầu gia nhập WTO, Việt Nam không được áp dụng các hạn chế định lượng đối với số nhà cung cấp dịch vụ, tổng giá trị giao dịch về dịch vụ, số lượng nghiệp vụ, số người tham gia làm việc tại các NH.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc NHTM ngoài quốc doanh VPbank tiên đoán: “Chắc chắn sẽ có một cuộc chảy máu nhân lực cấp cao và chuyên nghiệp từ các NH Việt Nam sang NH nước ngoài bởi hiện tại  nhu cầu về nhân lực (đặc biệt là các NHTMCP), mỗi năm tăng tối thiểu 50%”.

Cách giữ người tốt nhất bây giờ, theo ông Sơn, là: Các NHTM trong nước phải có lực lượng kế cận và thay thế khi cần thiết. Khi đó, nguồn lực nếu bị “chảy máu” sang NH ngoại cũng sẽ không ào ào, mà dịch chuyển từ từ.

Việc mở cửa thị trường tài chính nội địa sẽ làm tăng rủi ro thị trường về giá cả, tỷ giá, lãi suất. Hệ thống các NH trong nước sẽ phải đối mặt các rủi ro khủng hoảng, các cú sốc kinh tế tài chính khu vực và trên thế giới khi lan truyền; mất dần lợi thế về khách hàng và hệ thống kênh phân phối, nhất là từ sau năm 2010, khi những phân biệt về huy động vốn, sản phẩm dịch vụ, việc đặt máy ATM sẽ căn bản bị loại bỏ.

Một thách thức mà chính các NHTM trong nước sẽ phải tự giải quyết đó là việc có thể một bộ phận khách hàng chiến lược của hệ thống NHTM đang hưởng sự bảo hộ của Nhà nước (nhất là DNNN sản xuất trong các lĩnh vực nhiên liệu, sắp thép, xi măng, phân bón, giấy, hoá chất) khi họ làm ăn kém hiệu quả sẽ tăng rủi ro đối với hoạt động của các ngân hàng.

Việt Nam sẽ phải tuân thủ những cam kết nào?

Ngay từ năm 2006, trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam phải gỡ bỏ dần các hạn chế về tỷ lệ tham gia cổ phần của các định chế tài chính nước ngoài theo cam kết trong Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ. Đến năm 2008, Việt Nam sẽ phải “mở” toàn bộ các quy định về việc khống chế tỷ lệ tham gia góp vốn, dịch vụ, giá trị giao dịch của các NHNNg theo các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác thương mại dịch vụ (AFAS) của Hiệp hội ASEAN.

Cùng với các cam kết gia nhập WTO (năm 2009: các pháp nhân được nhận gửi tiền bằng đồng VN không hạn chế, đãi ngộ quốc dân đầy đủ đối với thẻ tín dụng; 2010: 100% các NH con nước ngoài được phép hoạt động...). Tất cả đang tạo ra sức ép lớn, buộc các NHTM trong nước phải tăng tốc thực hiện các kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua những thách thức sống còn.

(Nguồn: Tổng hợp)

Kỳ II: Tự cứu mình khi chưa quá muộn

MỚI - NÓNG