Gia hạn lần cuối cho 43 dự án chậm tiến độ sử dụng đất ở Bình Thuận

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở Tài Nguyên Môi trường đã có công văn báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận xem xét cho chủ trương gia hạn thêm 12 tháng đối với một số dự án chậm triển khai do ảnh hưởng dịch COVID-19. Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận khẳng định, đây là lần gia hạn cuối cùng.

Liên quan 43 dự án vi phạm đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Thuận và của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường), Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, để tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp không thể triển khai thực hiện các công việc của dự án trong tình hình dịch COVID-19 bùng phát, Tổng cục Quản lý đất đai có đề nghị xem xét gia hạn cho các dự án trước khi thu hồi.

Do đó, Sở Tài Nguyên Môi trường đã có công văn báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận xem xét cho chủ trương gia hạn thêm 12 tháng đối với một số dự án chậm triển khai do ảnh hưởng dịch COVID-19. Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận khẳng định, đây là lần gia hạn cuối cùng. Sau khi hết thời gian gia hạn mà các dự án vẫn không đưa đất vào sử dụng thì Sở Tài nguyên Môi trường tổng hợp tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Gia hạn lần cuối cho 43 dự án chậm tiến độ sử dụng đất ở Bình Thuận ảnh 1

Các dự án chậm tiến độ ở Bình Thuận được gia hạn thêm 12 tháng.

Sở Tài nguyên Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch Đầu tư trong việc đôn đốc các chủ đầu tư sớm triển khai đưa dự án vào hoạt động, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận xử lý việc điều chỉnh, chấm dứt dự án đầu tư, gia hạn sử dụng đất, thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.

Các nguyên nhân khiến 43 dự án này bị chậm tiến độ, được Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận chỉ ra là công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn do chậm xác định tính pháp lý, chính sách giá đền bù thay đổi, chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù.

Về kết cấu hạ tầng, có dự án điều kiện hạ tầng thiếu hoặc chưa đồng bộ, một số nhà đầu tư triển khai xây dựng cầm chừng hoặc chưa mạnh dạn triển khai xây dựng như khu vực Long Sơn Suối nước, khu vực giáp ranh xã Hòa Thắng, khu vực ven biển xã Tân Thắng, Thắng Hải, huyện Hàm Tân hiện chưa có đường vào, chưa có hệ thống nước sinh hoạt, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình xây dựng.

Một nguyên nhân khác, được Sở Tài nguyên Môi trường nêu ra là dự án sau khi thỏa thuận đền bù xong phần diện đất của dân thì công trình chưa có trong kế hoạch sử dụng đất nên phải chờ bổ sung kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở thu hồi cho thuê đất theo quy định. Một số dự án phải làm thủ tục chuyển đổi đất rừng, trồng rừng thay thế do đó cũng mất nhiều thời gian. 12 dự án khu vực xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam vướng quy hoạch Cảng Kê Gà, sau khi Chính phủ có chủ trương ngừng quy hoạch Cảng Kê Gà, các dự án mới hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có định hướng thay đổi, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng. Sự phối hợp của các ngành, địa phương trong việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, trong năm 2019 đến 2021, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Việc các chủ đầu tư huy động công nhân, người lao động thi công xây dựng, chế biến sản xuất đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn về việc huy động nguồn lực tài chính do đó đã không thể triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết với tỉnh.

Đa phần các dự án chậm triển khai là các dự án đã được chấp thuận đầu tư trước năm 2014, năng lực của chủ đầu tư dự án còn hạn chế, nên có tình trạng dự án đầu tư cầm chừng, chờ sang nhượng lại. Chính sách đất đai thay đổi dẫn đến thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng phức tạp, kéo dài. Nhiều quy định về quản lý đất đai có chồng chéo, chưa đầy đủ, rõ ràng, chậm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, gây khó khăn trong việc thực hiện, nhất là đối với các trường hợp xử lý chuyển tiếp. Việc xác định giá đất cụ thể hiện nay còn chậm, do vướng mắc rất nhiều trong việc áp dụng các phương pháp định giá đất.

Gia hạn lần cuối cho 43 dự án chậm tiến độ sử dụng đất ở Bình Thuận ảnh 2

Đa phần các dự án chậm triển khai là các dự án đã được chấp thuận đầu tư trước năm 2014, năng lực của chủ đầu tư dự án còn hạn chế.

Tổng cục Quản lý đất đai cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng... Về việc này, Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận ban hành công văn để chỉ đạo các sở ngành và UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện khắc phục các nội dung tại kết luận số 69 của Tổng cục Quản lý đất đai.

Trước đó, vào ngày 21/6, Tổng cục Quản lý đất đai đã có kết luận kiểm tra số 69 về việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo kết luận, việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Bình Thuận còn nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí, đặc biệt trong các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Qua kiểm tra, 43 dự án nằm trên địa bàn ven biển của Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam, huyện Bắc Bình, huyện Tuy Phong chậm triển khai. Ngoài ra, các dự án này còn có nhiều sai phạm như chuyển mục đích sử dụng đất chưa đúng quy định; xây dựng hạ tầng đô thị khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất… Tổng diện tích đất của 43 dự án trên là gần 645 ha.

MỚI - NÓNG