'Già gân' nhí nhố vẫn hút khách?

Nghệ sỹ Thương Tín trở lại trên màn ảnh trong vai xã hội đen pha chất hài.
Nghệ sỹ Thương Tín trở lại trên màn ảnh trong vai xã hội đen pha chất hài.
TP - Khởi chiếu toàn quốc từ 24/12, Già gân, mỹ nhân và găng tơ tiếp tục với công thức xưa cũ, ăn theo nghệ sỹ hài với lối tấu hài sân khấu quen thuộc.

Già gân, mỹ nhân và găng tơ xoay quanh câu chuyện của ông già Tỏi (Hoài Linh) vốn là giang hồ, có ân oán không nhỏ với tay giang hồ tên Chanh (Thương Tín). Mối quan hệ này còn kéo dài 30 năm sau đó khi ông Tỏi chán ở trung tâm giáo dục già hư, lên đường về Sài Gòn tìm lại người vợ bỏ đi năm xưa. Trên đường đi tình cờ giải cứu cô DJ Quỳnh Cherry (Tóc Tiên) khỏi nhóm côn đồ, mở ra những tình tiết khác.

Phim mở đầu bằng màn hành động đua xe giữa Tỏi và Chanh. Các pha rượt đuổi, đấu võ cũng được các nhà làm phim khai thác suốt bộ phim. Tuy nhiên, hài mới là tông bao trùm cả bộ phim. Thương Tín, tên tuổi lẫy lừng của điện ảnh Việt Nam một thời xuất hiện trong vai ông trùm Chanh. Nếu người hâm mộ hy vọng nhiều có thể sẽ thất vọng: Vai Chanh dù được xây dựng là tay anh chị, nhưng lại đậm chất hài và pha chút ngô nghê. Đạo diễn có lẽ cũng có ý tự trào khi đặt tên hai nhân vật anh em sinh đôi học đòi làm xã hội đen tên Ngô - Nghê.

Đây là phim thứ hai của Công ty Sản xuất phim Thiên Phúc của vợ chồng nghệ sỹ Đức Thịnh - Thanh Thúy. Ma dai ra mắt năm ngoái là phim đầu tay, tuy vậy được đánh giá có duyên hơn Già gân, mỹ nhân và găng tơ. Bộ phim thứ hai đều do Đức Thịnh viết kịch bản, đạo diễn. Kịch bản là khâu yếu của phim này, khi đạo diễn cố sắp xếp các nhân vật có mối quan hệ với nhau khá gượng ép. Đường dây câu chuyện được phát triển theo lối tự nhiên, tự phát nhiều khi phi logic-điểm chung của khá nhiều phim hài Việt Nam. Dễ nhận thấy nhất ở tình tiết cảnh sát xuất hiện đầy bất ngờ, dễ gây cảm giác các nhà làm phim đưa vào để dễ bề qua kiểm duyệt. Thông điệp cải tà quy chính của hai nhân vật quá bất ngờ, vô lý đến không tưởng.

Điều làm khán giả cảm thấy gợn không kém là màn quảng cáo trá hình cho thương hiệu điện thoại chịu chi tài trợ. Một phim kinh dị Việt Nam ra mắt gần đây cũng nhan nhản hình ảnh, chi tiết gượng ép nhân vật năng sử dụng điện thoại của hãng này. Già gân, mỹ nhân và găng tơ cũng không ngoại lệ, từ ông trùm xã hội đen, cô gái trẻ đến ông già bán bóng bay kiêm hiệp sỹ đường phố cũng xài cùng loại điện thoại. Cái nào cái nấy mới toanh như vừa rước ở cửa hàng về.

Kể từ phim điện ảnh đầu tiên ra rạp đến nay, năm nào Hoài Linh cũng góp mặt ít nhất trong một phim Tết, với mức cát xê tiền tỷ. Không bất ngờ nếu xem Già gân, khán giả vẫn bắt gặp hình ảnh Hoài Linh. Trong phim, anh dẫu biến hóa từ Tỏi trẻ, Tỏi già và đóng luôn cả vai mẹ Tỏi, chất hài của anh chẳng đổi khác. Nên khán giả muốn tìm điều gì mới mẻ e rằng khó. Hơn nữa, có thể gọi đây là liveshow hài của Hoài Linh và những người bạn. Trường Giang cây hài mới nổi và nghệ sỹ hài cũ Hoàng Sơn và Hoài Linh trở thành bộ ba hài trong hành trình tìm lại tình yêu, giải cứu cô gái trẻ.

Tóc Tiên được tạo hình khá hầm hố, ăn nói khá ngang ngược để hợp với mác DJ. Nhưng nhân vật của cô được xây dựng khá hời hợt, gần như không có chút khai thác nội tâm nào cho nên sự xuất hiện của cô chủ yếu để làm đẹp và mềm mại bộ phim bên cạnh các nam diễn viên khác. Không riêng Tóc Tiên, nhiều ca sỹ khác có lẽ cũng nên nhận ra khả năng ca hát không đồng nghĩa với vai trò diễn xuất trong một bộ phim, nhất là phim điện ảnh.

Già gân, mỹ nhân và găng tơ hội đủ yếu tố của những phim hài nhảm Việt Nam. Một đại diện của một nhà phát hành phim nói rằng, dù vậy phim vẫn có khả năng đạt doanh thu cao. Các tên tuổi như Hoài Linh, Trường Giang vẫn có thể bảo chứng cho sự ăn khách. Một trong những lí do khác là thị hiếu của một bộ phận không nhỏ công chúng vẫn ưa lối tấu hài quen thuộc. Thị trường phía Nam chi phối khá lớn doanh thu phim chiếu rạp, cũng là nơi có lượng người hâm mộ khổng lồ của các nghệ sỹ hài này, nên số suất chiếu tại TPHCM gần gấp đôi so với Hà Nội. Điều này được chứng minh suốt thời gian qua, nhiều phim được xếp vào loại hài nhảm, nhưng khán giả vẫn chấp nhận bỏ tiền mua vé. Phim hài nhảm bị giới làm nghề, báo chí chê tơi tả vẫn nghiễm nhiên nằm trong danh mục ăn khách vẫn có đất sống là vì thế.

Phim hài Em là bà nội của anh vẫn chứng tỏ sức hút khi ăn khách hơn cả phim hành động Hollywood Star Wars: Thần lực thức tỉnh. Dịp giáng sinh này, khán giả chỉ có một  lựa chọn phim kinh dị Ác mộng đêm Giáng sinh. Các lựa chọn khác: Chú khủng long tốt bụng, Biển sâu dậy sóng, Con tàu ma, Cha và con gái.

MỚI - NÓNG