9 năm trước, vợ chồng bà Đỗ Thị Oanh bắt đầu trồng rau xanh để giảm bớt nỗi lo ăn phải chất độc. Đến nay, gia đình hầu như không phải mua rau ngoài chợ, với nhiều loại phong phú, phù hợp với điều kiện trồng trên sân thượng.
Sân ở tầng 3 và tầng 4 đều được tận dụng với diện tích tổng cộng là 30 m2. Tầng 3 có các loại rau ngắn ngày còn tầng 4 là khu trồng cây dây leo như bầu, bí, mướp, đu đủ và chùm ngây.
Trước đây, gia đình sử dụng hộp xốp để trực tiếp trên sàn. Tuy nhiên, sợ trần nhà bị thấm nên tới năm 2010, vợ chồng bà Oanh làm giàn trồng cây nhiều tầng để sàn luôn khô thoáng và tăng diện tích trồng. Các hộp xốp cũng có giá đỡ bằng sắt cách sàn 15 cm.
Giá sắt và các máng tôn tự gò và lắp ghép, vật liệu là đồ tận dụng nên kinh phí để làm không đáng kể.
Bà Oanh và chồng thường cho nước vo gạo và cuộng rau thái nhỏ vào xô, ủ 3 ngày rồi đem tưới. Các loại dây bầu bí, mướp sau khi thu hoạch được băm nhỏ, ủ mục để trộn vào đất tạo chất mùn. Phân NPK cũng là nguồn bổ sung tốt cho cây.
Vào mùa đông và mùa mưa, vườn được che ni lông nên cây không bị dập nát, hư hỏng.
Sau mỗi đợt thu hoạch, đất được phơi khô, dùng vôi bột hoặc nước vôi phun đều trên mặt đất để phòng trừ sâu bệnh. Khi có sâu, chủ vườn bắt bằng tay, dùng thuốc trừ sâu sinh học để diệt.
Ngoài các loại rau theo mùa, gia đình còn trồng các loại cây leo giàn, cây ăn quả.
Niềm vui sau mỗi giờ làm việc của vợ chồng bà Oanh là chăm sóc vườn rau trên sân thượng.
Trên sân thượng của gia đình còn có một vài chuồng chim bồ câu, gà, thỏ giúp gia đình có nguồn thịt, trứng sạch. Ngoài ra, phân thỏ, gà... được ủ mục làm giàu cho đất.