Giá dầu giảm sẽ kích thích nền kinh tế

 Giá xăng dầu giảm góp phần tăng sức mua. Ảnh: Ngọc Châu
Giá xăng dầu giảm góp phần tăng sức mua. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Ngày 24/12, trao đổi với PV Tiền Phong, TS.Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Giá dầu giảm sẽ tác động tích cực đối với nền kinh tế hơn là tác động tiêu cực.

Ông Ngân nói: Từ đầu năm 2014 đến nay, giá dầu thế giới giảm khoảng 50%. Khi giá dầu giảm, bao giờ cũng tác động hai mặt, có cả thuận lợi, bất lợi, nhưng đây lại là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Việt Nam. Vì ở Việt Nam, giá dầu giảm tác động thuận lợi nhiều hơn.

Không quá lo ngại

Thưa ông, có ý kiến lo ngại giá dầu giảm thì chúng ta sẽ bị giảm nguồn thu ngân sách vì nguồn thu từ dầu thô khá lớn?

Giá dầu giảm sẽ kích thích nền kinh tế ảnh 1

TS.Trần Hoàng Ngân

Ai cũng thấy ngay tác động không thuận lợi đó là làm giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% tổng thu ngân sách là từ dầu thô. Năm 2015 dự kiến thu ngân sách khoảng 911.000 tỷ đồng và thu dầu thô khoảng 93.000 tỷ đồng, tức là khoảng trên 10% tổng thu. Nếu giá dầu giảm làm ảnh hưởng đến nguồn thu là ảnh hưởng trong khoảng đó thôi, tác động sẽ không lớn. Và bên cạnh đó nó cũng còn sẽ tác động đến ngành kinh doanh xăng dầu và có những bất lợi.

“Khi giá xăng dầu tăng nhanh vào năm 2008, dầu thô có lúc lên tới 147 USD/thùng, đã đẩy lạm phát lên trên 20%, đẩy lãi suất tăng tới trên 20%, làm tê liệt các doanh nghiệp. Vì vậy giá dầu giảm là một cơ hội để thúc đẩy sản xuất phát triển”.

TS Trần Hoàng Ngân

Nhưng tôi lại thấy tác động theo chiều hướng thuận lợi nhiều hơn. Giá dầu thế giới giảm thì giá dầu trong nước sẽ giảm theo, từ đầu năm đến nay đã giảm 30%. Giá xăng dầu giảm sẽ làm giảm chi phí sản xuất, giảm chỉ số giá tiêu dùng. Mặt bằng giá giảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Lãi suất ngân hàng cũng sẽ giảm xuống theo và được kìm chế ở mức thấp hơn. Tác động rõ nhất là góp phần làm giảm chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến xăng dầu. Chi phí đầu vào giảm luôn tác động tích cực, thúc đẩy sản xuất. Lĩnh vực vận tải, xây dựng, dịch vụ, du lịch có cơ hội giảm giá thành, lợi nhuận tăng lên, kích thích tiêu dùng. Cuối cùng, thu ngân sách từ doanh nghiệp sẽ tăng theo.

Còn nhớ khi giá xăng dầu tăng nhanh vào năm 2008 đã gây bất lợi cho nền kinh tế. Năm đó, dầu thô có lúc lên tới 147 USD/thùng, đã đẩy lạm phát của nước ta lên trên 20%, đẩy lãi suất tăng tới trên 20%, làm tê liệt, và giết chết dần các doanh nghiệp. Đó là những tác động bất lợi của giá dầu tăng cao đối với nền kinh tế mà chúng ta đã thấy rõ.

Phải giám sát thị trường

Đứng trước cơ hội như vậy, chúng ta cần có chính sách gì đối với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất?

Giá dầu giảm sẽ kích thích nền kinh tế ảnh 2

Giá cước vận tải không giảm sau khi giá xăng dầu giảm liên tiếp khiến người dân thiệt thòi. Ảnh: Ngọc Châu

Câu chuyện hiện nay là làm sao giám sát được việc giá xăng dầu giảm có tương thích với việc giảm giá các mặt hàng khác trong nước hay không. Ví dụ như vận tải có giảm không, giảm đến mức độ nào, các cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát việc này cho tốt. Nếu không các doanh nghiệp sẽ coi đây là một cơ hội để tăng lợi nhuận cho riêng mình. Chúng ta đã nhìn thấy tác động của giá dầu giảm rất rõ, đó là làm giảm nguồn thu ngân sách. Nhưng tác động tích cực đối với nền kinh tế thì chưa rõ nét, còn mập mờ. Cho nên, cùng với việc tăng cường kiểm soát tốt hơn thị trường, hàng hóa phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Hiện nay, tổng cầu đang tăng thấp, đây là cơ hội để kích lên. Giá vận chuyển, du lịch dịch vụ cũng đang ở mức cao, phải giảm giá để kích thích dịch vụ.

 Vậy làm sao để kéo mặt bằng giá xuống tương ứng với việc giảm giá xăng dầu để tác động tích cực đối với nền kinh tế và người dân cũng được hưởng lợi?

Đây là lúc cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, giám sát. Không để lợi dụng thời điểm gần Tết, không giảm mà lại tăng giá. Trước mắt, chi phí vận tải phải giảm ngay – bởi đây là dịch vụ mà giá phải niêm yết công khai. Các cơ quan quản lý thị trường, hiệp hội người tiêu dùng cũng phải lên tiếng. Nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm. Hiện nay, dư luận cho rằng mặt bằng giá giảm khá chậm. Nhưng cũng cần phải có tính toán cụ thể, bởi sản xuất của chúng ta còn phụ thuộc khá nhiều yếu tố khác nhau.

Cảm ơn ông!

ĐBQH Trần Quang Chiểu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách): Coi chừng doanh nghiệp lợi, dân vẫn thiệt

Xét về tổng thể lợi ích kinh tế - xã hội thì việc giá dầu giảm sâu có lợi hơn là có hại. Vì giá dầu giảm cũng có nghĩa là chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, cước vận tải giảm… Tất cả những cái đó sẽ tạo ra động lực rất lớn để kích thích sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu. Ví dụ như trước đây vận chuyển hàng nông sản từ Nam ra Bắc phải mất hàng chục triệu tiền cước, nay nhờ giá xăng dầu giảm nên chi phí vận chuyển giảm được 1/3 và giá bán nông sản cũng sẽ giảm theo. Như thế có nghĩa là từ người dân, doanh nghiêp cho đến nhà nước đều có lợi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để giá thành sản phẩm, giá cước vận chuyển phải giảm theo giá xăng dầu. Vì nếu những mặt hàng, giá thành đó không giảm, có nghĩa là lợi nhuận sẽ chảy hết vào doanh nghiệp, còn người dân thì không được hưởng lợi gì. Động thái mà Bộ GTVT thể hiện trong ngày hôm qua bằng việc ra văn bản yêu cầu kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước, bảo đảm thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu là rất tích cực. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, các bộ ngành và chính quyền địa phương cần vào cuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật về giá.

Văn Kiên

Tìm mọi cách bù hụt thu từ dầu thô

Giá dầu thô giảm ắt hẳn sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Vấn đề tìm cách bù hụt thu từ “vàng đen” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với Bộ Tài chính.

Sau khi đã hoàn thành thu ngân sách 2014 vượt 107% dự toán, lo ngại về thu ngân sách năm 2015 bị ảnh hưởng bởi giá dầu thấp là hiện hữu. Trao đổi bên lề cuộc họp tổng kết ngành Tài chính 2014 diễn ra tại Hà Nội sáng 21/12, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ đang thực hiện các giải pháp tập trung nhằm đảm bảo thu ngân sách như dự toán được giao. “Trong tình hình hiện nay, phải tìm mọi cách tăng thu nội địa, xuất khẩu để đảm bảo bù đắp, thiếu hụt khi giá dầu thế giới giảm”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Tập trung chống thất thu, thất thoát, gian lận, nợ đọng thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển là một trong những cách để tăng thu năm tới. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, đảm bảo chi đúng dự toán cũng là giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra. Cụ thể, năm 2015 sẽ hạn chế, không mua ô tô phục vụ chức danh riêng. Tiết kiệm triệt để các khoản chi hội nghị, hội thảo, đặc biệt là chi đi công tác nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn để bù đắp sụt giảm nguồn thu từ dầu thô nhà nước sẽ cần khoảng 70 ngàn tỷ đồng thu nợ thuế.

Khi được hỏi về trường hợp giá dầu thô thế giới giảm còn 20 USD/thùng như lo ngại của thị trường quốc tế, ông Tuấn phân tích: “Thu từ dầu thô chiếm khoảng 10% ngân sách. Bây giờ tăng thu nội địa thêm 10% không phải khó, nhưng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách trung ương”.

TUẤN ĐỨC

TS Lê Đăng Doanh: Nhiều mặt hàng phải giảm giá!

Trao đổi với Tiền Phong chiều 24/12 về tình trạng giá cả các mặt hàng hiện tại khi xăng dầu giảm sâu, TS Lê Đăng Doanh cho rằng:

Đang có tình trạng bất hợp lý. Giá dầu thô thế giới giảm, xăng dầu trong nước cũng đã giảm sâu, cước vận tải cũng phải giảm theo. Sau đó các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rau, củ, quả, trứng... cũng phải giảm. Trước đây, khi xăng dầu tăng giá, các mặt hàng này đã đòi tăng ngay. Giờ đây xăng dầu giảm, không thấy giảm là thế nào?

Theo TS Lê Đăng Doanh còn có nhiều mặt hàng sản xuất trực tiếp từ dầu như nhựa, sợi tổng hợp, phân bón, thuốc sâu... đều không thấy giảm, cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

“Công luận, báo chí cần lên tiếng. Các cơ quan quản lý, các hội bảo vệ người tiêu dùng cũng phải tham gia”. ông Doanh nói.    

ĐỨC HUY

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.