Trong khi đó, quốc gia không thuộc OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) là Nga và nhiều nước thành viên OPEC như Iran, Iraq, Venezuela… cần giá dầu cao hơn đáng kể so với hiện nay để đạt được mục tiêu ngân sách của họ. Ảrập Xêút phản đối việc cắt giảm sản lượng vì lo ngại thị phần của họ có thể nhỏ lại. Phát biểu tại Hội nghị Năng lượng Ảrập, ông Naimi cho rằng, thị trường dầu mỏ sẽ hồi phục khi nền kinh tế toàn cầu cải thiện.
Hội nghị OPEC hồi tháng trước không thống nhất cắt giảm sản lượng, chủ yếu do Ảrập Xêút phản đối giảm lượng xuất khẩu của họ. OPEC kiểm soát khoảng 40% thị trường dầu thế giới và Ảrập Xêút là nước sản xuất lớn nhất trong tổ chức này. Một số nhà đầu cơ thị trường cho rằng, Ảrập Xêút ép giá dầu giảm để làm tổn hại nền kinh tế của những nước như Nga và chính quyền Hồi giáo dòng Shiite ở Iran vì hai nước này ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Assad. Ảrập Xêút hậu thuẫn các nhóm nổi dậy của người Sunni nhằm lật đổ ông Assad. Đầu tháng này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, giá dầu lao dốc là kết quả của “sự phản bội”, cụm từ được cho là ám chỉ Ảrập Xêút.