Gia cảnh éo le, nhiều thầy thuốc trẻ vẫn tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
Gia cảnh éo le, nhiều thầy thuốc trẻ vẫn tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch
TPO - Trong lực lượng y tế tham gia tuyến đầu chống dịch, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, gia cảnh éo le có bố ung thư, mẹ tâm thần, chồng đi công tác, phải gửi con nhỏ cho người thân chăm sóc... nhưng vẫn tình nguyện có mặt tại các điểm nóng, tuyến đầu phòng, chống dịch.

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình Gặp mặt các y bác sĩ trẻ, sinh viên tình nguyện tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Dự chương trình, có anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các y bác sỹ đại diện một số đơn vị tham gia tuyến đầu chống dịch.

Vượt khó khăn, xung kích chống dịch

Với tinh thần xung kích, trách nhiệm và "chống dịch như chống giặc", nhiều y bác sĩ, sinh viên ngành y đã vượt qua hoàn cảnh éo le, khó khăn để ngày đêm có mặt ở "điểm nóng", tuyến đầu nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19.

"Lúc đầu chúng tôi chỉ tính TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng sau khi phát động thì ở 63 tỉnh thành đều đề xuất.

Đọc hồ sơ và bắt tay làm, chúng tôi mới thấy trong lực lượng y tế tham gia tuyến đầu chống dịch, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, gia cảnh éo le có bố ung thư, mẹ tâm thần, chồng đi công tác... nhưng vẫn tình nguyện đi chống dịch", anh Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chia sẻ.

Chị Lê Thị Luân (SN 1990) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, mỗi ngày đi làm hơn 60km.

Chị Luân là trụ cốt chính trong gia đình có con nhỏ 5 tuổi, bố bị tai biến hơn 10 năm nay và chị gái khuyết tật, mẹ già yếu.

Tuy nhiên, từ những ngày đầu xảy ra dịch đến nay, nhất là hai đợt dịch trên địa bàn tỉnh, chị luôn có mặt trong đội hình xung kích. Chị trực tiếp tham gia lấy mẫu tại khu cách ly, cộng đồng và trực tiếp xét nghiệm SAR-CoV-2 tại trung tâm.

Còn sinh viên Nguyễn Thị Thúy (SN 1998, Đại học Y Hà Nội) là một trong những tình nguyện viên lên đường chi viện về CDC Bắc Ninh tham gia phòng chống dịch. Trong những ngày "chia lửa" chống dịch, Thúy nhận được tin bố nhập viện Bệnh viện Nông Nghiệp cơ sở 1 và được chẩn đoán rối loạn chuyển hóa lipoprotein và tình trạng tăng lipid máu khác, bệnh tăng huyết áp vô căn nguyên phát, suy tim, bệnh đường mật, suy thận mạn, TD viêm phổi.

Chị Lê Thị Lương (SN 1991, quê Nghệ An) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cũng đã vượt qua nhiều khó khăn để góp sức chống dịch từ đầu năm 2020 đến nay. Chị trực tiếp đi lấy mẫu, làm xét nghiệm.

Đến nay là đợt dịch thứ tư, cũng là đợt thách thức nhất với tần suất công việc liên tục ngày đêm. Mỗi ngày chị tham gia làm xét nghiệm COVID-19 từ 12-14 tiếng, góp phần nâng công suất xét nghiệm của Hà Tĩnh đạt 40.000 - 50.000 mẫu/ngày đêm.

Anh Lê Hải Nam (SN 1996), nhân viên Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, có bố mất do lũ lụt miền Trung năm 2020. Gia đình anh có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi có dịch đến nay, anh đã tham gia công tác điều tra, truy vết ca bệnh; giám sát, vận chuyển người thực hiện cách ly phòng chống dịch.

Trao tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ y bác sĩ khó khăn

Anh Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Chương trình gặp mặt là hoạt động kỷ niệm 12 năm Ngày truyền thống Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (28/6/2009 – 28/6/2021); hưởng ứng chương trình "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch" do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phát động. Đồng thời thiết thực hỗ trợ các y, bác sĩ ở tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Gia cảnh éo le, nhiều thầy thuốc trẻ vẫn tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ảnh 1

Anh Nguyễn Anh Tuấn trao tặng lẵng hoa chúc mừng kỷ niệm 12 năm Ngày truyền thống Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam

Thời gian qua, ngoài bằng khen và các hình thức khen thưởng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã huy động nguồn lực xã hội được 1 tỷ đồng tiền mặt để trao tặng lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch.

Hội trao 100 suất quà, mỗi suất 10 triệu đồng tiền mặt tặng bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, sinh viên tình nguyện có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, nhiều người có hoàn cảnh éo le, gia đình có bố bị ung thư, mẹ tâm thần, chồng đi công tác xa... nhưng vẫn luôn tình nguyện có mặt ngày đêm nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên tuyến đầu.

Ban Tổ chức đã tiến hành trao đợt đầu tiên gồm 20 suất quà tặng các y, bác sĩ, sinh viên tình nguyện tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước

Gia cảnh éo le, nhiều thầy thuốc trẻ vẫn tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ảnh 2

Anh Nguyễn Anh Tuấn và anh Hà Anh Đức trao tặng các suất quà tại chương trình.

Tại chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và anh Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trao đổi thông tin, động viên cán bộ, y bác sỹ, sinh viên tình nguyện tiếp tục vượt khó khăn, góp sức đẩy lùi dịch COVID-19.

Thời gian tới, tổ chức Đoàn, Hội sẽ tiếp tục triển khai các hình thức vận động và tiếp tục ủng hộ lực lượng chống dịch tuyến đầu; đồng thời mong muốn các cơ quan truyền thông đồng hành, cổ vũ lực lượng trẻ tuổi tích cực tham gia phòng chống đại dịch.

Được biết, trong tháng 7 tới đây, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ triển khai thêm hoạt động hỗ trợ thầy thuốc trẻ trên tuyến đầu như áo làm mát đồ bảo hộ, buồng lấy mẫu lưu động, xe xét nghiệm lưu động.

MỚI - NÓNG