Ghi âm, ghi hình phải xin phép: Cần thiết hay trái thẩm quyền?

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành nội quy, với quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành nội quy, với quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Ảnh minh họa
TPO - Vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” của UBND thành phố Hà Nội.

Vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành nội quy, với quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Không chỉ Hà Nội mà ở nhiều tỉnh thành, bộ ngành khác cũng đã ban hành quy định tương tự. Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia và trong dư luận.

Lý giải về việc này, người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho biết, quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng bí mật ghi âm, ghi hình rồi cắt xén nội dung, đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác. Cũng theo ông Chung, tất cả các phòng tiếp công dân đều đã được trang bị thiết bị camera ghi âm, ghi hình. Người dân nếu muốn trích xuất lại thì sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận.

Cùng quan điểm, Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội thì khẳng định, việc ban hành nội quy này nhằm tạo ra một môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực, để cùng nhau hoàn thành buổi tiếp với không khí nghiêm túc, văn minh. Một lý do được Ban Tiếp công dân đưa ra là, có một số trường hợp công dân đến không phải với mục đích thực hiện quyền của mình mà để ghi hình, livestream, vừa nói chuyện, vừa giơ máy điện thoại vào mặt người tiếp dân, vừa phát trên mạng xã hội.

Trao đổi với PV, một số đại biểu Quốc hội cho biết, trước đây khi xây dựng Luật Tiếp công dân cũng đặt ra, nhưng đề xuất này không phù hợp nên không quy định vào trong luật. Phó trưởng Ban dân nguyện, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, quy định như trên cũng có thể là cần thiết, để tránh tình trạng có người quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh.

Tuy nhiên, theo ông, cán bộ tiếp công dân thường là những người nắm vững chuyên môn, có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử nên “không việc gì phải ngại” khi công dân ghi âm, ghi hình. Hãy cứ cho công dân được quay phim, ghi âm, ghi hình nhưng với điều kiện phải giữ trật tự, không gây lộn xộn, ảnh hưởng đến việc tiếp công dân.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực văn bản, TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) thì khẳng định, nội quy tiếp dân của thành phố Hà Nội là chưa phù hợp, sai về thẩm quyền và tính chất của văn bản, vì đây là văn bản hành chính cá biệt, không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ông Sơn, quyền quyết định trong trường hợp này phải là Quốc hội, chứ không thuộc thẩm quyền của lão đạo chính quyền địa phương. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét, thu hồi văn bản này.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.