Gặp Nhà giáo Nhân dân tuổi 90 vẫn dạy học, viết sách

GS.TS Lê Quang Long.
GS.TS Lê Quang Long.
Ở tuổi 90, GS.TS Lê Quang Long vinh dự nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân. Ông không những là người thầy đầu tiên của ngành Sinh học trong nước mà còn là một trong những người viết nên những cuốn sách đầu tiên về kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam.

Biết 8 ngoại ngữ

Trong số 39 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm nay, GS.TS Lê Quang Long là người cao tuổi nhất. Ông chia sẻ: “Mặc dù hơi muộn nhưng cảm xúc của tôi vẫn rất xúc động khi được vinh dự nhận danh hiệu cao quý này”. Được biết, GS.TS Lê Quang Long là người thầy tiêu biểu trong thế hệ giáo viên đầu tiên ở các cấp trung học dưới chế độ mới. Từ sơ khai là giáo viên Trường Khải Định (nay là Trường Quốc học - Huế), đến Trường THCS Trần Phú (Hà Tĩnh) và sau đó là ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy giáo Lê Quang Long luôn tìm tòi để việc dạy không đơn thuần chỉ là dạy chữ - Ấy là dạy cách làm người. Với đào tạo đại học, ông cũng là thế hệ giảng viên đầu tiên, là người thầy đầu tiên của khoa Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội - đào tạo nên thế hệ các nhà sinh học Việt Nam đầu tiên. Riêng luận án Phó tiến sĩ của thầy giáo Lê Quang Long về “Sinh lý - sinh thái của cá rô phi thuần hóa Việt Nam” đã gây được tiếng vang trong lịch sử khoa học giáo dục nước ta.

Mặc dù vậy, GS.TS Lê Quang Long vẫn rất khiêm nhường khi nói về bản thân mình. Ông tự nhận, mình chỉ là người dắt tay học trò đi vào thế giới sinh học. Được biết, trong thời gian công tác tại Khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.TS Lê Quang Long đã chủ trì nhiều đề tài khoa học có giá trị. Ông còn biết 8 ngoại ngữ, trong đó, có một số ngoại ngữ được GS.TS Lê Quang Long nói lưu loát như tiếng mẹ đẻ.

Tính từ năm 1970 đến nay, GS.TS Lê Quang Long đã viết gần 100 đầu sách, trong đó 50 đầu sách được viết trong những năm về hưu. Đó là những giáo trình đại học, sách giáo khoa phổ thông, sách tham khảo, chuyên đề sau đại học và từ điển. Ông chuyển thể cả tiểu thuyết của nhà văn Hữu Ước sang tiếng Anh, cùng nhiều công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và ngoài nước.

Năm 1963, ông là một trong những người viết cuốn sách đầu tiên về kế hoạch hóa gia đình. Sau này, GS.TS Lê Quang Long cũng được Bộ GD&ĐT “đặt hàng” thiết kế bộ tranh về kế hoạch hóa gia đình và bộ tranh này được sử dụng trong thời gian dài.

Đỉnh cao của nghệ thuật dạy học

Gặp Nhà giáo Nhân dân tuổi 90 vẫn dạy học, viết sách ảnh 1

Một số đầu sách của GS.TS Lê Quang Long. (Ảnh: Hạnh Nguyên)

Trong căn phòng giản dị, đầy sách, vị giáo sư già vẫn miệt mài giương mục kỉnh đọc. Trên vai ông, chiếc áo màu xanh đã bạc màu. Ông chậm rãi kể, mình vốn xuất thân từ một gia đình quan lại thời Pháp thuộc ở Huế. Mẹ là công chúa Lương Diên, con vua Thành Thái, chị ruột vua Duy Tân, chị họ vua Bảo Đại. Cha ông là Lê Quang Thiết, từng là Chánh sứ đại diện Nam triều cạnh Toàn quyền Đông Dương và sau này là Thủ hiến 16 tỉnh miền Trung. Sau cách mạng tháng Tám, có 3 lần ông về thỉnh giảng ở Huế nhưng gia đình ông lại gắn với Thủ đô Hà Nội.

GS.TS Lê Quang Long chia sẻ, môn Sinh học không những khô khan mà còn bị coi thường so với những môn học khác. Giáo viên phải có vai trò dẫn dắt cho cho học sinh thích thú hơn chứ không chỉ chép bài thụ động. Vậy nên, cố gắng suốt đời của ông là thay đổi cách giảng dạy sao cho hấp dẫn, để các em yêu thích hơn chứ không phải học vì nhiệm vụ. GS.TS Lê Quang Long hiện có nhiều học trò thành đạt trong nhiều lĩnh vực như: GS Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội), GS Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam)… Nhiều người gọi GS.TS Lê Quang Long là “đỉnh cao của nghệ thuật dạy học”. Có người gọi ông là giáo sư “không có tuổi già”.

GS Võ Quý (nguyên Chủ nhiệm Khoa Sinh học, ĐH Quốc gia Hà Nội) - một người bạn vong niên của GS.TS Lê Quang Long nhận xét: “Mặc dù danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đến với GS.TS Lê Quang Long khá muộn nhưng rất xứng đáng. Ông là niềm tự hào của tất cả chúng tôi. Ông không những là người thầy tận tâm mà còn kiên nhẫn trong công việc. Ông đã cống hiến đến tận cùng của tuổi già. Một năm trước, GS.TS Lê Quang Long vẫn còn dạy học, viết sách. Ông thậm chí còn dạy 50 buổi liền trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Và ở tuổi 90, ông vẫn còn hướng dẫn luận văn cho nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Chúng tôi thực sự tự hào về GS.TS Lê Quang Long”.

GS.TS Lê Quang Long cũng có công lao trong việc khôi phục nền đại học Campuchia sau nạn diệt chủng Pôn Pốt. Theo đề nghị của Campuchia, phái đoàn Việt Nam đã sang truyền đạt kiến thức cho những người đồng nghiệp tương lai - những người sẽ đặt nền móng cho nền đại học Campuchia. GS.TS Lê Quang Long đã giúp bạn biên soạn và xây dựng 3 bộ giáo trình bằng tiếng Pháp… Với những đóng góp cho nền giáo dục Campuchia, ông đã được tặng Huân chương Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Theo Hạnh Nguyên

Theo Gia đình xã hội
MỚI - NÓNG