Gần 600 giáo viên có nguy cơ mất việc: Tùy tiện tuyển dụng

Thầy Trần Vũ Luân (giữa, hàng sau cùng) khi còn làm giáo viên tại Trường THCS Hùng Vương (huyện Ia Grai)
Thầy Trần Vũ Luân (giữa, hàng sau cùng) khi còn làm giáo viên tại Trường THCS Hùng Vương (huyện Ia Grai)
Câu chuyện gần 600 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ mất việc do thừa chỉ tiêu đang là thực trạng chung của cả nước. Hậu quả của việc tùy tiện tuyển dụng đã đẩy giáo viên diện này vào cảnh mất việc

Từ giữa tháng 3, sau khi báo chí thông tin 578 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị thông báo chấm dứt hợp đồng thì ở tỉnh Gia Lai, hàng ngàn giáo viên diện này cũng rất lo lắng bị mất việc khi hay tin tỉnh nhà tiếp tục siết lại biên chế trong năm 2018.

Bỗng dưng mất việc

Trước đó, từ năm 2017, thực hiện tinh giản biên chế, hàng trăm giáo viên đang dạy tại các địa phương của tỉnh Gia Lai đã bị cắt hợp đồng. Từ chỗ có việc làm ổn định, nhiều giáo viên rơi vào tình thế khó khăn, vất vả mưu sinh.

Sau khi bị UBND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chấm dứt hợp đồng, chị Phạm Thị Nhung (25 tuổi; ngụ xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) không còn được giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mà phải đi phụ bán cà phê để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Chị Nhung cho biết từ tháng 11-2016, chị được bố trí dạy tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ia Tô), sau đó luân chuyển qua Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai. Đến tháng 1-2018, chị bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng. "Về ngôi trường mới được đồng nghiệp, học trò yêu quý nên tôi rất vui, tự nhủ cố gắng công tác, giảng dạy thật tốt. Nhưng giờ mình phải từ giã bục giảng, rời xa mái trường, học trò rồi" - cô Nhung bộc bạch. Nay ngoài việc phụ bán cà phê, cô Nhung còn tranh thủ dạy kèm tại nhà để có thêm thu nhập và cho đỡ nhớ nghề.

Vừa qua, anh Trần Vũ Luân (25 tuổi; ngụ xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) được Tỉnh đoàn Gia Lai khen tặng vì nhặt được gần 90 triệu đồng trả lại cho người mất. Ít ai biết anh là một giáo viên nghèo vừa bị cắt hợp đồng giảng dạy tại Trường THCS Hùng Vương (huyện Ia Grai), đang rất khó khăn vì thất nghiệp. Gánh nặng của người anh cả trong gia đình nghèo buộc anh Luân phải rời quê lên TP Pleiku tìm việc. Trong lúc chờ việc, để có tiền trang trải cuộc sống, thầy giáo trẻ này xin làm gia sư cho một vài học sinh. "Bố mẹ, bà con kỳ vọng nhiều khi tôi chọn nghề giáo nhưng vì không thể chen chân vào biên chế, đành phải bỏ quê lên thành phố kiếm sống" - thầy Luân buồn bã.

Chỉ riêng ở huyện Ia Grai, vừa qua có hơn 100 giáo viên bị cắt hợp đồng khiến đời sống, việc làm của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Cắt giảm thêm thiếu hụt

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình tinh giản biên chế đối với giáo viên ở Gia Lai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của giáo viên và gia đình mà còn làm khó cho chính các địa phương trong việc giải quyết hậu quả tuyển dụng ồ ạt, phải loay hoay tìm các biện pháp để bảo đảm việc dạy và học.

Ông Phạm Văn Đại, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Ia Grai, nói việc cả trăm giáo viên bị cắt hợp đồng gây rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục huyện. Nghịch lý ở chỗ, theo ông Đại, số giáo viên bị cắt hợp đồng là vì thừa so với chỉ tiêu giao còn trên thực tế huyện lại thiếu hụt giáo viên trầm trọng. Chính điều này, các trường buộc phải ghép lớp, giáo viên biên chế phải tăng số tiết. Một số giáo viên dạy trường này không đủ số tiết phải tăng cường qua trường khác để dạy cho đủ. Việc giáo viên biên chế tăng tiết cũng kéo theo quỹ lương "phình to" hơn so với chi trả cho giáo viên hợp đồng trong 1 năm khoảng 10 tỉ đồng.

Gần 600 giáo viên có nguy cơ mất việc: Tùy tiện tuyển dụng ảnh 1 Hiện thầy Luân làm gia sư, chờ tìm việc khác.

Hiện nay, huyện Ia Grai cũng như các địa phương khác ở Gia Lai lo ngại nhất là đối với học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, khi ghép lớp các em sẽ phải lội bộ đi học xa nhà, từ đó khả năng bỏ học sẽ cao hơn học tại các điểm trường làng. "Việc tinh giản biên chế là đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước nhưng cần có cơ chế đặc biệt, chính sách phù hợp chứ không áp dụng cứng nhắc; tùy tình hình thực tế của các địa phương mà duy trì hợp đồng với giáo viên giảng dạy và nhân viên phục vụ để bảo đảm hoạt động tối thiểu của ngành" - ông Đại kiến nghị.

Ở huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai, hơn 200 giáo viên giảng dạy tại 37 trường học các cấp trên địa bàn vừa bị cắt hợp đồng. Ông Đậu Sỹ Quốc, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chư Pứh, nói việc cắt hợp đồng cùng lúc nhiều giáo viên khiến phòng GD-ĐT phải dồn lớp, chất lượng dạy học không thể bảo đảm. "Những giáo viên còn lại cũng phải tăng tiết để bảo đảm việc dạy học. Nhưng họ sẽ rất mệt mỏi vì không thể buổi sáng dạy 5 tiết, buổi chiều dạy 5 tiết được" - ông Quốc nêu khó khăn.

Ông Phạm Văn Căn, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, cũng bày tỏ lo lắng ngại việc siết lại chỉ tiêu, cắt giảm giáo viên hợp đồng dẫn đến hiện tượng dồn, ghép lớp khiến nguy cơ học sinh bỏ học là khó tránh khỏi.

Lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai thừa nhận cũng đang lúng túng về giải pháp, bởi việc cắt giảm giáo viên hợp đồng không giải quyết được cái gốc của tinh giản biên chế mà càng làm cho tình trạng thiếu giáo viên thêm trầm trọng. 

"Không thể làm khác được"

Ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết trong việc tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên, sở làm theo quy trình, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu, hướng dẫn. "Buộc phải cắt hợp đồng với các giáo viên bản thân tôi rất trăn trở, lấy làm tiếc nhưng không thể làm khác được. Các giáo viên bị cắt hợp đồng phần lớn là giáo viên trẻ, ngành giáo dục cũng muốn tạo điều kiện để các thầy cô cống hiến nhưng không được" - ông Thuận chia sẻ.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
TPO - Ngày 14/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong đã thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền ủng hộ trị giá 500 triệu đồng cho các nạn nhân tử vong do bão YAGI tại tỉnh Lào Cai và vào được Làng Nủ ở huyện Bảo Yên để chia sẻ nỗi đau thương của bà con nơi đây.