Phó cục trưởng Cục nhà giáo nói gì vụ 500 giáo viên mất việc

Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
TP - Cục nhà giáo cũng rất bất ngờ về cách quản lý của các cơ quan có thẩm quyền, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) lên tiếng xung quanh vụ 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy cơ mất việc.

Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau khi sự việc xảy ra ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), Cục nhà giáo đã nắm bắt tình hình. Cục yêu cầu Sở GD&ĐT báo cáo nhanh về sự việc. Chiều ngày 12/3, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã gửi báo cáo, trong đó vấn đề nổi bật là tình trạng tuyển dụng dôi dư rất nhiều. 

Theo báo cáo, đối với giáo viên mầm non, địa phương đang thiếu 212 giáo viên nhưng lại chỉ ký hợp đồng với 78 giáo viên; trong khi đó giáo viên tiểu học thiếu 69 người lại ký hợp đồng lên tới 279 người (thừa 210 người) hay bậc THCS thiếu có 16 giáo viên nhưng huyện này lại ký hợp đồng với 221 giáo viên. Như vậy, có sự chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu và tuyển dụng.

Sau khi nhận được báo cáo, Cục nhà giáo cũng rất bất ngờ về cách quản lý của các cơ quan có thẩm quyền bởi vì trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT luôn nói làm sao phải đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và thực tế dạy học. Ví dụ, Bộ đã đưa ra những tiêu chuẩn làm căn cứ để địa phương tuyển dụng như: lớp mầm non học 2 buổi trên ngày thì cần 2,2 giáo viên/ lớp; lớp mầm non học 1 buổi trên ngày thì cần 1,2 giáo viên/ lớp; đối với tiểu học dạy 1 buổi/ ngày bố trí tối đa 1,2 giáo viên/ lớp; dạy 2 buổi/ ngày bố trí tối đa 1,5 giáo viên/ lớp… “Quy định rõ như vậy nhưng vẫn có chuyện ký hợp đồng dôi dư rất nhiều, dẫn đến câu chuyện đảm bảo định mức lao động không được ổn”, ông Tự nói.

Cũng theo ông Tự, Nghị định 29 của Chính phủ quy định về việc tuyển dụng lao động cho các trường thuộc thẩm quyền của UBND huyện và quyền của người đứng đầu nhà trường. Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định rõ, việc tuyển dụng phải dựa trên căn cứ thống kê, khảo sát nhu cầu thực tiễn.

Trên thực tế, trong sự việc này, chỉ tiêu ít nhưng huyện này lại ồ ạt ký hợp đồng với giáo viên là điều khó chấp nhận. “Theo rà soát, Trưởng phòng GD&ĐT quản lý ở giai đoạn giáo viên được ký hợp đồng ồ ạt này hiện đã nghỉ hưu, còn người mới đang tham gia giải quyết sự việc. Ở đây, cũng phải nói, vai trò của trưởng phòng giáo dục rất mờ nhạt, khi thấy việc tuyển dụng giáo viên dư thừa mà không có ý kiến với UBND huyện, không báo cáo lên Sở GD&ĐT”, ông nói.

Ông Tự cũng cho rằng, sau khi nghe nhiều ý kiến giáo viên, ông thấu hiểu nỗi thất vọng của họ. Vì vậy, “những nhà quản lý nào trực tiếp tạo ra sự thất vọng này, tạo ra câu chuyện này thật đáng lên án” - ông Tự nói. Và ở những địa phương khác cũng có giải pháp để không xảy ra chuyện tương tự. Không để giáo viên ôm hy vọng, một ngày nào đó được biên chế chính thức, ổn định công việc dù nguyện vọng đó rất chính đáng mà thực tế không phải vậy.

Trên thực tế, câu chuyện giáo viên hợp đồng bị mất việc giữa chừng đã xảy ra ở một số địa phương. Một số ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên nắm lại việc ký hợp đồng, phân bổ giáo viên ở cơ sở. Tôi cho rằng, việc đảo ngược phân cấp như hiện nay là không khả thi. Điều quan trọng là cần thay đổi cách thức kiểm tra, giám sát để các đơn vị làm đúng quy định. Hơn nữa, đại diện ngành giáo dục ở địa phương cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để đảm bảo công bằng, khách quan.

Trước thông tin, nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc đang rất ấm ức, sốc vì trước đó họ đã mất cả trăm triệu đồng, tin vào lời hứa sẽ có tên trong danh sách biên chế nên mới chấp nhận dạy hợp đồng hàng năm trời với đồng lương không đủ sống thì nhận tin dữ. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi với PV: “Trong báo cáo của Sở GD&ĐT gửi Bộ không có nội dung đó vì vậy đơn vị chưa có cơ sở để trao đổi với báo chí”.

MỚI - NÓNG