Loay hoay 'tháo ngòi' vụ 500 giáo viên hợp đồng dôi dư ở Đăk Lăk

 Hàng trăm giáo viên bức xúc tụ tập tại trụ sở UBND huyện Krông Păk hôm 9.3. Ảnh: D.H
Hàng trăm giáo viên bức xúc tụ tập tại trụ sở UBND huyện Krông Păk hôm 9.3. Ảnh: D.H
Hàng trăm giáo viên (GV) hợp đồng tại huyện Krông Păk (Đăk Lăk) đang hết sức hụt hẫng, bức xúc… trước thông báo “phũ phàng” của UBND huyện này về việc chấm dứt hợp đồng đối với họ trong thời gian sắp tới. Huyện nói “không còn cách nào khác”, còn các GV vẫn đang hy vọng có thể sẽ có một… thông báo khác.

“Tôi đã bất chấp mạng sống để đến trường”

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp loại khá tại Trường Đại học Tây Nguyên, chị Hồ Thị Mỹ Dung đã về huyện Krông Pắk xin đi dạy tại Trường THCS Vụ Bổn. Ban đầu chị được hiệu trưởng hợp đồng thời vụ, đến tháng 7.2010 thì được ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND huyện thời điểm đó - ký hợp đồng thời hạn 1 năm. Hết hợp đồng, chị Dung lại được ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011 – 2015) ký hợp đồng không xác định thời hạn.

“Từ khi được huyện ký hợp đồng, tôi và gia đình đã hết sức vui mừng, nghĩ rằng sớm muộn gì cũng sẽ được vào biên chế. Thế nhưng ngày 9.3, UBND huyện Krông Pắk gọi tôi đến và thông báo rằng đến 30.4 này tôi sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Thông báo này đã khiến tôi và gia đình hết sức hoang mang, đau khổ” - chị Dung nói trong nước mắt.

Chị Dung kể với chúng tôi rằng, 8 năm qua, từ khi được đặt chân lên bục giảng chị đã phải chịu đựng rất nhiều gian khổ để đến trường. Đôi khi tiền lương không đủ Có những hôm trời mưa, đi qua cây cầu chỉ có 3 miếng ván nhỏ xíu, chị đã có lúc muốn chùng chân vì bên dưới là dòng nước xiết đang cuồn cuộn chảy, chỉ cần sơ sẩy một chút thì không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Dạy ở xã vùng 3 nhưng ngoài tiền lương (nhiều năm liền không được nâng bậc), chị Dung không được hưởng thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào. Năm 2016, nhà trường bỗng dưng cắt lương, chỉ trả mỗi tháng 1 triệu đồng, nhưng chị vẫn không bỏ nghề. “Sáng tôi đi bán cháo, chiều đến trường vì đồng lương không thể đủ sống. Thế nhưng vì yêu nghề tôi đã không từ nan. Vậy mà họ quá bất công với tôi”- chị Dung nói trong nước mắt.

Cũng như chị Dung, hàng trăm GV hợp đồng tại huyện Krông Pắk đang hết sức hoang mang trước thông tin sốc từ UBND huyện. Chị Châu Thị Thanh Diệu, GV trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (xã Tân Tiến) nói với chúng tôi: “Sau 7 năm theo nghề, tôi đã mất cả chồng, giờ đây tôi cũng mất luôn nghề. Không đất đai, không vốn liếng, mất việc tôi không biết phải sống ra sao”.

“Không còn cách nào khác”

Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có kết luận về sai phạm tại UBND huyện Krông Pắk từ năm 2011 đến năm 2016. Theo đó, trong nhiệm kỳ của mình, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện giai đoạn 2011-2016) đã ký hợp đồng, chỉ đạo ký hợp đồng với hơn 400 GV và nhân viên trường học. Đến lượt ông Y Suôl Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2020) tiếp tục ký hợp đồng với hơn 100 GV và nhân viên trường học. Việc này đã khiến huyện Krông Pắk thừa GV, nhân viên hợp đồng trầm trọng. Tính đến nay, toàn huyện có 605 GV và nhân viên trường học hợp đồng, trong khi biên chế chưa sử dụng chỉ còn 84, nghĩa là thừa 521 người.

Để giải quyết hậu quả, chiều 9.3, UBND huyện Krông Pắk đã triệu tập, thông báo chấm dứt hợp đồng với 200 GV không đủ điều kiện dự tuyển hoặc không có vị trí việc làm phù hợp trong đợt thi tuyển biên chế sắp tới. Hơn 400 GV và nhân viên hợp đồng còn lại, huyện sẽ cho thi tuyển biên chế để lấy 84 người, số không trúng tuyển cũng sẽ chấm dứt hợp đồng. Như vậy, chỉ trong vài tháng nữa, sẽ có ít nhất 500 GV và nhân viên hợp đồng mất việc.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho rằng, huyện cũng như tỉnh không có cách nào khác để xử lý việc này. Còn lãnh đạo Sở GDĐT Đắk Lắk thì cho biết, theo tinh thần chung của Tỉnh ủy, Kết luận của Thanh tra Chính phủ thì toàn bộ GV dôi dư có hợp đồng ngắn hạn phải chấm dứt. Do phân cấp quản lý nên Sở không thể can thiệp, huyện có nhu cầu thì huyện tuyển. Trong nhiều đợt kiểm tra trước đây, Sở GDĐT nhận thấy dôi dư nên đã kiến nghị, nhưng huyện vẫn cứ làm nên đành chịu. Còn việc điều chuyển GV, sở cho rằng nếu thực hiện là sai nguyên tắc, mặt khác biên chế ngành đã đủ và đang phải tiếp tục tinh giản theo tinh thần chung nên rất khó.

Tuy nhiên sau thông báo “sốc” của UBND huyện hôm 9.3, không chỉ 200 GV được triệu tập mà hàng trăm GV, nhân viên hợp đồng khác cũng tụ tập tại trụ sở UBND huyện để phản đối. Sáng 11.3, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã có cuộc họp với lãnh đạo huyện Krông Pắk. Thông tin chưa chính thức, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Huyện ủy Krông Pắk đã yêu cầu UBND huyện tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng đối với 200 GV. PV NTNN đã liên lạc với nhiều lãnh đạo để xác minh thông tin này, nhưng hầu hết không được trả lời hoặc cho biết sẽ có văn bản chính thức vào hôm nay (12.3).

Huyện làm chưa phù hợp

Ông Trần Tuấn Anh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc UBND huyện Krông Pắk ra thông báo chấm dứt hợp đồng với 200 GV ở thời điểm này là không phù hợp. Bởi còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm học, thông báo của huyện không chỉ tác động đến tâm lý các GV, gây hiệu ứng tiêu cực, mà còn ảnh hưởng đến hàng nghìn học sinh. Bởi sau khi nhận thông báo này, chắc chắn các GV sẽ không còn tâm trạng nào để lên lớp.

Hơn nữa, cách làm của UBND huyện Krông Pắk cũng không phù hợp. Theo ông Trần Tuấn Anh, lẽ ra huyện phải chia sẻ, động viên các GV trước khi đưa ra thông báo này, làm sao để người lao động hiểu rằng quyết định của huyện là đúng đắn và quyền lợi của người lao động được đảm bảo trước khi ra thông báo thì các GV sẽ không “sốc”.

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, liên quan đến sự việc này, LĐLĐ tỉnh sẽ vào cuộc giúp đỡ các GV, theo hướng quan tâm giúp đỡ số đông những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn sau khi mất việc. Quá trình xử lý, LĐLĐ cũng như Công đoàn cơ sở sẽ đứng về phía người lao động nhưng tôn trọng pháp luật, chấp hành đúng các quy định về luật công chức viên chức.

Các chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm

Theo luật sư Tạ Quang Tòng- Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đăk Lăk, UBND huyện Krông Păk, mà trực tiếp là ông Nguyễn Sỹ Kỷ và ông Y Suôn Byă phải chịu trách nhiệm về việc ký hợp đồng dư thừa hơn 500 người. Về phía các giáo viên, sau khi bị cắt hợp đồng nếu chứng minh có thiệt hại thì có quyền khởi kiện.

Luật sư Tòng cũng cho biết, trong trường hợp nếu có tiêu cực- nếu có chuyện mua bán việc làm giữa các GV và các lãnh đạo huyện- thì “người mua” sẽ không bị xử lý hình sự trong trường hợp chứng minh được mình không còn cách nào khác để lựa chọn.

Theo Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.