Ngày 15-3, thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), cho biết cơ quan công an đang vào cuộc điều tra đơn tố cáo ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), về việc nhận tiền để lo việc đi dạy và bớt xén tiền lương của giáo viên hợp đồng.
Không "lo" được thì trả (!?)
Theo thượng tá Dân, cuối năm 2017, công an nhận được đơn của bà L. (ngụ huyện Krông Pắk) tố cáo ông Huỳnh Bê nhận 300 triệu đồng để xin việc cho con gái bà vào dạy tại Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk.
Theo tài liệu bà L. cung cấp, trước đó, vào tháng 9-2016, ông Huỳnh Bê có viết một tờ "giấy nhận tiền để xin việc" cho con gái bà vào làm giáo viên tại Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk. Trong nội dung tờ giấy nhận tiền này nêu rõ số tiền mà ông Huỳnh Bê nhận của bà L. là 300 triệu đồng. Nếu công việc sau này không thành, ông Bê sẽ chịu trách nhiệm trả lại cho bà L. số tiền này.
Thượng tá Dân cho biết trước nội dung đơn tố cáo của bà L., Cơ quan CSĐTCông an huyện Krông Pắk đã xác minh để làm rõ có hay không dấu hiệu tội phạm. Do vụ việc phức tạp nên sau đó Cơ quan CSĐT đã báo cáo và nhận được chỉ đạo của công an tỉnh sớm làm rõ tin báo. Sau khi được mời lên làm việc, ông Bê thừa nhận "giấy nhận tiền để xin việc" mà bà L. cung cấp do chính ông viết, ký nhận. Ông Bê cũng nói đã trả được một ít và hứa sẽ trả số tiền còn lại nhưng hiện chưa có.
Cũng theo thượng tá Dân, ngày 14-3, Công an huyện Krông Pắk đã nhận được đơn tố cáo của các giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Ngô Mây từ Thanh tra huyện chuyển qua. Nội dung đơn tố cáo ông Huỳnh Bê đã bớt xén tiền lương của các giáo viên. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pắk đã triệu tập ông Bê lên làm việc. Do ông Bê là hiệu trưởng, đảng viên nên sau khi có đơn tố cáo, cơ quan công an đã báo cáo Huyện ủy Krông Pắk để có ý kiến chỉ đạo.
Theo tài liệu các giáo viên cung cấp, tại Trường THCS Ngô Mây có tổng cộng 7 giáo viên bị chi trả lương sai so với số tiền nhà trường thực nhận từ kho bạc. Từ tháng 8 đến tháng 12-2017, tổng số tiền của 7 giáo viên này nhận tại trường là 17 triệu đồng, trong khi số tiền mà kho bạc chi trả cho họ tổng cộng gần 70 triệu đồng, chênh lệch 53 triệu đồng.
Liên quan đến ông Huỳnh Bê, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cũng vừa gửi đơn lên cơ quan chức năng tố cáo ông Bê đã nhận tổng cộng 120 triệu đồng của ông để chạy việc cho con về dạy tại Trường THCS Ngô Mây.
Muốn biên chế: "Chạy" tiếp
Trưa 15-3, thầy L.V.D (một giáo viên tại huyện Krông Pắk) đã tìm gặp phóng viên Báo Người Lao Động để phản ánh việc vợ chồng thầy phải đưa cho một "cò" 200 triệu đồng để được ký hợp đồng và xin vào biên chế.
Theo thầy D., đầu năm học 2014, vợ thầy đã đưa cho bà Kh. (một nhân viên y tế học đường tại huyện Ea Kar) 120 triệu đồng để được ký hợp đồng lao động ngắn hạn tại một trường tiểu học ở huyện Krông Pắk. Khi nhận tiền, bà Kh. có viết giấy xác nhận "vay mượn" tiền. Sau khi họ có quyết định đi làm, bà này đã thu lại giấy xác nhận.
Tiếp đó, năm 2015, bà Kh. nói muốn được vào biên chế thì phải tiếp tục chạy chọt nên gia đình thầy D. đã vay mượn đưa thêm 80 triệu đồng. Đợi mãi nhưng không được vào biên chế, vợ chồng thầy D. nhiều lần tìm gặp để đòi lại tiền nhưng không được. Không những vậy, người này còn thách thức gia đình thầy D. tố cáo. Hiện vợ thầy D. cũng nằm trong diện 578 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk đang đứng trước nguy cơ mất việc.
Trong đoạn ghi âm thầy D. cung cấp về cuộc trò chuyện giữa thầy và một giọng nữ mà thầy D. cho biết chính là bà Kh. với nội dung chính là đòi lại 200 triệu đồng đã chi xin việc nhưng không thành, người giọng nữ thừa nhận đã nhận tiền của thầy để lo lót cho đường dây xin việc từ huyện lên thành phố, vì đã lo tiền qua nhiều trung gian nên giờ không thể trả lại.
"Bây giờ, khoản tiền 200 triệu đồng chị nhận của em đã lo cho những người dưới này (huyện Krông Pắk - PV) nhưng cũng chi cho những người trên phố (TP Buôn Ma Thuột) nên đòi lại cũng khó… Bản thân người nhận là chú L. trên phố nhưng giờ chú bị bệnh nặng nên cũng chịu. Tiền của em, chị đã lo hết rồi thì giờ ở đâu mà lấy lại được nữa" - lời người giọng nữ nói với thầy D.
Còn theo cô H. (một giáo viên tiểu học ở huyện Krông Pắk), ngày 14-3, hiệu trưởng trường hẹn chiều 15-3 lên làm việc để trả lại một ít tiền đã chạy việc trước đó. Đến hẹn, cô H. lên trường thì ông hiệu trưởng bảo bận công tác, hẹn gặp sau. Theo cô H., từ năm 2011 đến 2013, để được ký hợp đồng, cô đã đưa cho ông hiệu trưởng tổng cộng 45 triệu đồng. Năm 2013, sau khi được gợi ý chung chi để được huyện ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, cô tiếp tục gom 40 triệu đồng đưa cho một cán bộ huyện nhưng cuối cùng vẫn không được vào biên chế và sắp mất việc.
Sẽ thu thập tài liệu
Chiều 15-3, ông Nguyễn Đức Thọ - một người trong nhóm các giáo viên hợp đồng - cho biết trưa cùng ngày, 2 cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk và một cán bộ thuộc Bộ Công an đã làm việc với thầy để tìm hiểu việc các giáo viên tố cáo phải chung chi tiền mới được đi dạy. Các cán bộ công an đề nghị thầy hỗ trợ trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ từ các giáo viên. "Sắp tới, tôi sẽ tổ chức họp các giáo viên này để thu thập tài liệu cung cấp cho cơ quan điều tra" - ông Thọ quả quyết.