Nhiều tháng liên tiếp “trắng ” lương
Những ngày giữa tháng là lúc cán bộ, công nhân viên Cty Thủy lợi Phúc Thọ được nhận lương. Tuy nhiên, đã 5 tháng nay công nhân không được lĩnh đồng nào. Trước đó, công nhân cũng chỉ được nhận 80% lương định kỳ hàng tháng. Cuộc sống công nhân ngày càng khó khăn.
Anh Nguyên Ngọc Hoàng, cán bộ Xí nghiệp thủy lợi Phúc Thọ, Cty Thủy lợi Phúc Thọ cho biết, là trụ cột gia đình, trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ thì ốm, con còn nhỏ nhưng 5 tháng nay không một đồng lương. “Chạy vạy vay tiền khắp nơi nhưng vẫn không biết xoay sở ra sao để đưa mẹ đi viện”, anh Hoàng bật khóc nói. Trường hợp như anh Hoàng không phải cá biệt, rất nhiều công nhân viên ở Cty ở trong diện hoàn cảnh khó khăn. Có những công nhân hiện tại Cty đã nợ lương đến hơn 50 triệu đồng.
Đồng cảnh với những cán bộ công nhân viên của Cty Thủy lợi Phúc Thọ, gần 800 công nhân viên và người lao động Cty Đầu tư - Phát triển Thủy lợi Sông Tích còn không được trả đủ lương định kỳ hàng tháng. Theo anh Hà, một nhân viên Cty, từ tháng 11/2016, mọi chế độ lương, thưởng, phúc lợi xã hội đều bị cắt. Chưa kể, những người về hưu từ năm 2016 đều không được hưởng chế độ lương hưu do Cty còn nợ Bảo hiểm xã hội.
Cùng chịu chung khó khăn là những công nhân viên Cty Thuỷ lợi Sông Nhuệ. Theo đó, từ tháng 8 đến tháng 12/2016, công nhân chỉ được tạm ứng 50% lương tháng. Từ tháng 1/2017 cho đến nay, công nhân vẫn phải làm việc bình thường nhưng lương thì bị nợ 100%.
Lực bất tòng tâm
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Cty Thuỷ lợi Mê Linh cho biết, hiện nay còn chưa có quyết toán năm 2015. Từ năm 2016, thành phố mới tạm đặt hàng thủy lợi phí, nhưng chưa chính thức. Hiện nay, nguồn thủy lợi phí năm ngoái còn bao nhiêu chúng tôi tạm ứng trước cho công nhân. Trước đó, đã có kiểm toán đến các Cty thủy lợi, trên cơ sở đó thành phố sẽ điều chỉnh định mức, đơn giá… Ông Minh cho hay: Tất cả 5 Cty thủy lợi đều trong tình trạng khó khăn. Muốn giải quyết cho công nhân nhưng “lực bất
tòng tâm”.
Ông Đặng Tuấn Hùng, Giám đốc Cty Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Tích cho biết thêm, do UBND thành phố Hà Nội chưa có quyết địnhđặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2017 và cũng chưa tạm ứng trước kinh phí để thực hiện nhiệm vụ của năm nên khoảng 3.700 người lao động của các Cty trên toàn thành phố không có nguồn để trả lương; các chế độ khác cho cán bộ công nhân viên cũng như các chi phí khác phục vụ công tác quản lý, sửa chữa công trình thủy lợi cũng đang chờ kinh phí. Đối với Cty Sông Tích, trước đây được cấp khoảng 130 tỷ đồng/năm để thực hiện các nội dung công việc theo đặt hàng dịch vụ thủy lợi của thành phố. Nhưng sau khi rà soát, thành phố chỉ ra quyết định tạm thời đặt hàng dịch vụ thủy lợi khoảng 60 tỷ đồng cho năm 2016 (bằng khoảng 40% so với năm 2015). Với rất nhiều chi phí vận hành, điện năng… Cty nợ tiền điện khoảng 15 tỷ đồng, nợ BHXH khoảng 10 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã thông qua bộ đơn giá thủy lợi phí 2016 làm cơ sở quyết toán số tiền tạm đặt hàng của các Cty. Lương năm 2016 người lao động sẽ được quyết toán đầy đủ. Riêng phần kinh phí của năm nay vẫn chưa thể cấp về cho các Cty, do cuối năm 2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 280 quy định chuyển từ thủy lợi phí sang cơ chế giá thị trường. Nếu theo đơn giá này thì người nông dân có được miễn thuỷ lợi phí nữa hay không. Nên Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ cũng có công văn hỏi Chính phủ.
Về việc trên, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, năm 2016, do đơn giá chậm được phê duyệt nên các Cty thuỷ lợi mới trả được 50% lương những tháng cuối năm. Riêng năm 2017, Sở đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí chi trả, còn việc chi trả được thực hiện thế nào thì thuộc trách nhiệm của Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc. Đại diện Sở Tài chính xác nhận, hiện thành phố đã phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật của hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi, vấn đề lương của công nhân các Cty thuỷ lợi trên địa bàn sẽ sớm được giải quyết.