Game show truyền hình lạm dụng chiêu trò

TP - Sự trở lại rầm rộ của những chương trình giải trí trên truyền hình ngày càng gây tranh cãi, bởi khán giả đôi khi không được thưởng thức những buổi trình diễn đẹp mắt, những tài năng thực thụ mà chỉ những tình huống kịch tính, đấu khẩu “ngộp thở” đến từ nhà sản xuất.
Game show truyền hình lạm dụng chiêu trò ảnh 1
Những cuộc thi tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực thời trang, người mẫu liên tục gây tranh cãi

Ngập tràn chiêu trò

Hàng loạt cuộc thi tài năng nổi tiếng trở lại trên truyền hình như The face Vietnam, Rap Việt, The new mentor 2023 (Người mẫu toàn năng)… Khán giả trông đợi các tài năng mới, sự chuyên nghiệp của dàn huấn luyện viên, ban giám khảo, thế nhưng những người làm chương trình thường đem đến vô số tình huống kịch tính, tranh cãi không hồi kết khiến khán giả choáng ngợp.

Mới đây nhất là những màn đối đáp căng thẳng giữa huấn luyện viên Hồ Ngọc Hà và Hương Giang trong tập 4 chương trình Người mẫu toàn năng 2023.

Cuộc tranh cãi nổ ra khi Hương Giang chọn hai thành viên của đội Hồ Ngọc Hà vào phòng loại. Theo luật chơi của chương trình, huấn luyện viên chiến thắng được bảo toàn thí sinh, chọn 1 trong 4 đội là đội an toàn, hai đội còn lại phải cử hai thí sinh vào phòng loại để người chiến thắng quyết định ai ra về.

Trong tập 4, chiến thắng thuộc về Hương Giang nên cô chọn hai thí sinh của đội Hồ Ngọc Hà vào phòng loại. Với kết quả này, chưa được nửa chặng đường, đội Hồ Ngọc Hà đã bị loại bốn thành viên, đối diện với nguy cơ không còn thí sinh. Hồ Ngọc Hà cho rằng, Hương Giang sợ thua, đưa ra quyết định thiếu công tâm.

Cơn tức giận của Hồ Ngọc Hà gần như “chạm đỉnh”, đến mức nữ ca sĩ muốn rời trường quay. “Cô ấy có nhiều mâu thuẫn, từ tập 1 đến giờ, khi thế này lúc lại thế khác. Hóa ra Hương Giang đi thi chứ không vì chương trình. Đi về”, Hồ Ngọc Hà lớn tiếng.

Trước đó, ở tập 2, Hồ Ngọc Hà và Hương Giang nảy sinh mâu thuẫn ngầm, bởi Hương Giang nói đàn chị không công tâm. Lúc đó, Hồ Ngọc Hà giải thích rõ, nhưng Hương Giang vẫn giữ nguyên quan điểm. Màn đấu khẩu nảy lửa giữa Hà Hồ và Hương Giang không phải là tình huống gây tranh cãi đầu tiên trong gameshow này.

Ngay từ những tập đầu tiên, Người mẫu toàn năng 2023 luôn ngập tràn tình tiết căng thẳng, mâu thuẫn như việc tranh giành thí sinh, mâu thuẫn của Hương Giang và Hồ Ngọc Hà, màn chất vấn Lan Khuê của Dược Sĩ Tiến… Mục đích tìm kiếm vị thế cho người mẫu của chương trình trở nên “chìm nghỉm” giữa vô vàn cãi vã quá lố của dàn huấn luyện viên.

Chương trình The face Vietnam 2023 cũng ngập trong những tình huống kịch tính. Từ khi lên sóng cho đến tận lúc kết thúc, chương trình không khi nào thiếu vắng chiêu trò. Khi chương trình mới lên sóng, khán giả cũng bị cuốn vào cuộc chiến của bốn huấn luyện viên: Anh Thư, Kỳ Duyên - Minh Triệu và Vũ Thu Phương.

Nâng cao nhận thức khán giả

Việc chê trách các nhà sản xuất có lẽ khó phát huy tác dụng, vì vậy khán giả có thể sử dụng quyền để chọn không xem hoặc tẩy chay những chương trình mang tính độc hại. “Quyền chọn đơn giản thuộc về khán giả. Vì sao chúng ta không sử dụng quyền của chính mình”, ông Trương Quốc Phong nêu. Vì vậy, TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, nếu khán giả không nâng cao thị hiếu, tiếp tục xem, chia sẻ, bàn luận về những chương trình này, việc xây dựng các tình huống tranh cãi quá đà trên truyền hình ngày càng đi theo hướng tiêu cực.

Quyền tẩy chay của khán giả

TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) phân tích, con người luôn bị những chương trình, sự kiện có sự kịch tính thu hút, cho nên ít chú ý đến những sự việc, câu chuyện bình lặng như cuộc sống đời thường. Vì vậy, các nhà sản xuất chương trình truyền hình không ngại đưa những tình huống, phân cảnh gây tranh cãi bởi điều này đáp ứng thị hiếu của công chúng.

Ông Trương Quốc Phong - CEO một công ty truyền thông tại TPHCM - nhận định, những tình huống kịch tính, gây tranh cãi là “gia vị” của các gameshow truyền hình. Nếu kết quả dễ đoán khán giả sẽ không còn hứng thú để xem và sẵn sàng đổi kênh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chương trình giải trí trên truyền hình đang khai thác quá đà các tình tiết gây tranh cãi, lạm dụng chiêu trò bằng các màn tranh cãi, thậm chí có phần “đốp chát” thiếu tinh tế.

Các nhà sản xuất sẽ xây dựng kịch bản, dẫn dắt cảm xúc của người chơi trong chương trình nhằm gây sự chú ý khi lên sóng. Không phải tất cả nhưng có tới 90% các màn đấu khẩu, ghen ghét, cạch mặt nhau trên sóng là “gia vị” dành tặng khán giả. “Sự dẫn dắt diễn ra theo một quá trình với sự hợp sức từ biên kịch đến người dẫn chương trình. Người làm game show truyền hình, tôi nghĩ phải gọi họ là những người… thích đùa thế kỷ. Họ nhây và bền bỉ lắm, nên đủ sức nghĩ ra rất nhiều tình huống rất kịch tính, nhiều tranh cãi để thu hút công chúng”, ông Phong tiết lộ.

Ngay cả việc lựa chọn người chơi, người tham gia cũng được lên kế hoạch tỉ mỉ. Nhà sản xuất không chọn các ứng viên một màu, ngoan hiền mà luôn tìm kiếm những người chơi có cá tính, máu lửa, sẵn sàng “chiến đấu”.

Game show truyền hình lạm dụng chiêu trò ảnh 2

Chương trình truyền hình cần cân bằng tính giải trí và yếu tố giáo dục.

Chương trình nổi tiếng, được nhiều người đón xem chắc chắn mang đến nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, đặc biệt là về doanh thu, quảng cáo. Tuy nhiên, sự kịch tính quá đà lại mang đến nhiều điều tiêu cực cho xã hội, đặc biệt làm suy giảm trình độ thẩm mỹ của công chúng.

“Những tình huống mâu thuẫn trên truyền hình giữa các ngôi sao kéo theo sự tranh cãi giữa các cộng đồng người hâm mộ. Họ thi nhau tranh luận, thậm chí đẩy lên thành những cuộc chiến nảy lửa, thóa mạ, xúc phạm nhau trên không gian mạng. Đây là những hành động kém văn minh trên mạng”, TS Nguyễn Tuấn Anh nêu.

Người nổi tiếng tham gia các chương trình cũng dễ đánh mất cái nhìn thiện cảm của công chúng khi sa đà vào những màn tranh cãi trong game show.

Khán giả cũng bị đánh giá “kém sang”, “kém văn minh” khi theo dõi các chương trình truyền hình này. Tuy nhiên, không thể nghĩ tới phương án dẹp bỏ bởi khán giả luôn có nhu cầu giải trí. Điều cần làm nhất lúc này đến từ nhận thức của nhà sản xuất, đòi hỏi họ phải biết cân bằng tính giải trí và yếu tố giáo dục trong từng chương trình.

“Các nhà đài, nhà sản xuất cần tăng cường yếu tố giải trí lành mạnh, yếu tố giáo dục trong các chương trình để đáp ứng thị hiếu khán giả cũng như gửi gắm thông điệp tích cực cho xã hội”, TS Nguyễn Tuấn Anh nêu.