Gác Hương Lửa - rượu, thơ và tranh

TP - Phố Hàng Bông có ngôi nhà số 11, thời Pháp thuộc là hiệu sách Cẩm Văn đường. Tục truyền ngõ Cẩm Văn phố Tôn Đức Thắng hiện nay từng của ông chủ hiệu đó. Đất đai ngày trước to rộng thế nào không rõ, chỉ biết sau này số 11 chia thành mấy hộ giống một ngõ nhỏ. Gian nhà chặn giữa ngõ đội trên đầu cái gác xép - nơi được nhà thơ Vũ Đình Liên đặt tên là Lưu Xá hay gác Hương Lửa. 

Gác Hương Lửa - rượu, thơ và tranh ảnh 1 Gác Hương Lửa.  Ảnh chụp lại từ ảnh TL gia đình

Ông đồ tỉnh, ông đồ say

Nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ tuyệt bút “Ông đồ” lần đầu tới căn gác xép này vào khoảng năm 1971 qua giới thiệu của một bạn văn. Nhà thơ tới vì bức tranh xé giấy Ông đồ họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng chủ nhà là nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu. Ông Liên đứng ngắm bức tranh hồi lâu bật ra một bài thơ (tiếc không được ghi lại) rồi bổ đi tìm ông Phái chỉ để nói đại ý “Tôi với anh chưa gặp nhau mà anh vẽ ra được suy nghĩ của tôi”. Câu nói ấy mở đầu tình bạn suốt nhiều năm.

Quay ngược thời gian theo lời kể của nhà nhiếp ảnh Trần Chính Nghĩa - con trai ông Trần Văn Lưu thì năm 1954, ông Lưu khai trương triển lãm ảnh nghệ thuật tại 68 Tràng Tiền. Bùi Xuân Phái mang con gái Bùi Yến Lan mới đầy tuổi tới dự. Ông Lưu chụp tặng cô bé một bức. Bức ảnh được tạp chí RDA (Đức) đăng tải. Từ đó hai ông Lưu - Phái thân nhau. Sau vụ tranh ông đồ, bộ ba Lưu - Liên - Phái chính thức “thành lập”.

Tranh, ảnh và thơ gặp nhau hóa hay. Theo lời kể của họa sĩ Bùi Thanh Phương – con trai ông Phái, ban đầu ông Liên muốn dùng gác xép nhà ông Phái để “xây đền văn hóa”. Gác treo tám thước nhà anh Phái / Một tiếng thơ ngâm sóng gió đầy. Nhưng rồi họ quay sang chiếm gác nhà ông Lưu, vốn là nơi các văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… thường xuyên qua lại.

Mà văn nghệ sĩ tụ tập có mấy khi tỉnh. Các ông gặp gì uống nấy. Trà ít rượu nhiều, đàm đạo từ sáng đến chiều, giao lưu nghệ thuật đốt trái tim trầm gửi gió hương (thơ Vũ Đình Liên). Ông Liên vẫn nung nấu ý định xây “đền văn hóa” để thờ Nguyễn Du, Baudelaire (nhà thơ lãng mạn Pháp). Được ông Lưu chấp nhận, anh Nghĩa nhờ bạn xây một cái am nhỏ. Ông Liên phóng tay đề đôi câu đối.

Nhân loại xây đền văn hóa mới. 

Hòa bình dựng tháp đại đồng xưa.

Hai câu này có lẽ cũng làm trong lúc “ông đồ” say. Lúc đó Vũ Đình Liên vẫn “đương chức đương quyền” trưởng khoa tiếng Pháp ĐH Sư phạm Ngoại ngữ. Vậy mà khi tranh luận với Đoàn Phú Tứ, Hoàng Lập Ngôn, Song Văn thường dùng chiêu “lấy thịt đè người” để giải quyết vấn đề. Tội nghiệp ông Tứ hơn 30 cân còm cõi may có ông Lưu kịp can.

Kể ra thì hơi men giúp các ông có “hương” có “lửa”. Họa sĩ Thanh Phương khẳng định: “Những bức ở 11 Hàng Bông thường được bố tôi vẽ khi chuếnh choáng, thường mang tính erotic (phồn thực) rất mạnh mẽ. Ở nhà nghiêm túc mà vẽ ở gác Hương Lửa lại rất tợn”. Khi NXB Nguyễn Lộc nhờ Bùi Xuân Phái làm bìa tập thơ Hồ Xuân Hương, ông đã vẽ một cô nàng ôm trống còn tay lý trưởng râu dê cầm dùi gõ thủng cả mặt trống.

Nghèo mà phong lưu

Nước Tàu thời Chiến Quốc có Mạnh Thường Quân - tôn thất nhà Tề trong nhà luôn có vài nghìn khách. Sài Tiến truyện Thủy Hử - dòng dõi thế gia lúc nào cũng nuôi năm, bảy mươi anh hùng hảo hán. Mấy ông đấy toàn cỡ ức vạn kim tiền (“ức” bên Tàu là một vạn vạn). Cụ Trần Văn Lưu nhà ta thì ức vạn lòng hiếu khách.

“Bối cảnh xã hội bấy giờ khiến các cụ sống rất vô tư. Nếu là bây giờ biết đâu truyền thông làm hỏng các cụ. Cụ Phái cuối đời (năm 1984) đứng trước camera còn bối rối dù bình thường cụ nói chuyện rất hóm hỉnh. Lên vô tuyến lúc ấy là điều gì đó nghiêm trọng. Không biết may hay rủi, thiệt hay hơn. Có những thứ thuộc về số phận. Hoàn cảnh giúp tình bạn của các cụ trong sáng và bền vững như thế”.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương 

“Nhà chật. Gia đình mười mấy người rải đâu nằm đấy làm gì có giường. Góc này có buồng tối kích thước một nhân một mét bên trong có máy phóng. Đó chính là nguồn sinh nhai của gia đình. Cụ là người đầu tiên chụp ảnh tư liệu văn nghệ sĩ ở chiến khu. Hòa bình rồi cụ chụp cho báo Văn Nghệ, chụp hội nghị, chân dung giới văn nghệ theo đơn đặt hàng lấy thu nhập nuôi các con”- anh Nghĩa kể lại - “Khách đến nhà có gì ăn nấy, qua trưa quá bữa thì thôi”.   

Ông Liên lương ba cọc ba đồng. Ông Phái còn không có lương, sống bằng nhuận… minh họa. Vậy mà ông Phái thường là người xông xênh nhất. Nhờ ông bạn Lê Chính phụ trách phần minh họa báo Văn Nghệ, tuần nào ông Phái cũng có vài vi nhét vừa nộp vợ, nuôi con vừa có tiền ăn sáng uống rượu. Từ vi nhét nghe như tiếng Pháp - thứ tiếng ba ông đều giỏi - hóa ra là cách chơi chữ dí dỏm. Vi là nhỏ, nhét là nhét ví. Một khoản nhỏ nhét ví giúp các ông phong lưu như người ta.

Phong lưu uống rượu đàm thơ nghe hát ả đào. Nghệ nhân Quách Thị Hồ cũng là khách quen gác Hương Lửa, chỗ bạn bè thân thiết với mấy ông. Các cuộc vui thường kết thúc khi từng ông say khướt nằm một góc. 

Uống rượu trắng, ăn lạc luộc là thú bình dân. Ngoài ra còn có hai cái thú xa xỉ khác. Thứ nhất ra hiệu ăn chim quay. Thậm chí người ta còn tính giá trị theo đơn vị “con chim quay”. Vi nhét của ông Phái vừa xoẳn một đơn vị. Nhiều khi các ông “tổng động viên” chỉ gọi được một con ăn chung. Cái xa xỉ còn lại về mặt tinh thần. Họa báo Ba Lan và đặc biệt là tờ tạp chí Paris Match, thời đó rất khó kiếm. Kiếm được thì vồ lấy đọc nghiến ngấu cho bõ thú ăn chơi.

Gác Hương Lửa - rượu, thơ và tranh ảnh 2

Bộ ba Lưu - Liên - Phái (từ trái sang). Ảnh: Bùi Thanh Phương.com

Lưu - Liên- Phái

“Ba cụ toàn người vất vả, hay gặp chuyện không suôn sẻ. Cụ Liên muốn khẳng định tình bạn ba người không ai được can dự vì thỉnh thoảng có ông muốn theo cụ Phái. Cụ Liên gạt đi, chỉ muốn Lưu - Liên - Phái kiềng ba chân” - theo họa sĩ Thanh Phương.

Trong ba người, Trần Văn Lưu nền tính nhất, đúng chất người Hà Nội gốc: Nho nhã, biết lắng nghe và giữ phong thái chủ nhà. Dù biết uống rượu nhưng chỉ uống có chừng, giữ tỉnh táo còn lo giảng hòa lúc các ông khác mượn rượu “mắng yêu” nhau. 

Nghe nói nhà thơ Đoàn Phú Tứ có cuốn lịch tay ghi các món vặt (vay mượn chi tiêu) trong đó toàn tên ông Lưu. Tại 11 Hàng Bông vẫn lưu đôi câu đối bằng chữ Hán ông Tứ rút từ thơ Vương Chi Hoán đời Đường nhờ ông Nguyễn Thụy Ứng – dịch giả Sông Đông êm đềm đưa bút. Nội dung dịch ra: Lên một tầng lầu / Nhìn xa ngàn dặm tặng nhân dịp ông Lưu cơi thêm một tầng gác xép.

Ông Liên ngược ông Lưu, tính tình rất sôi nổi, quá nhiệt tình với thơ. Mọi người thường trêu thơ ông lấy bát hứng không kịp. Cái túi thơ đúng nghĩa đen đeo kè kè luôn sẵn bản thảo. Cứ hứng lên là ông hắng giọng ngâm. Không chỉ có thế, ông Liên còn có thói quen “bắt” ông Phái minh họa thơ mình. Ông đóng 10 quyển sổ thơ thì ông Phái minh họa chục bản giống nhau để đi tặng bạn bè.

Bùi Xuân Phái vốn hay chiều người khác. Chiều bạn đã đành, vẽ bất cứ khi nào ông Liên yêu cầu. Ngay khách cũng chiều. Hồi làm tập thơ Hồ Xuân Hương, NXB có tặng ông hai chục cuốn. Ông đem tặng khách sau khi dán thêm vào mỗi cuốn bốn bức minh họa để khỏi đơn điệu. Bạn Hà Nội nghe tin liền ra hiệu mua thơ chạy tới gác Hương Lửa nhờ vẽ. Ông lại chiều.

Gác Hương Lửa - rượu, thơ và tranh ảnh 3

Đôi câu đối Đền văn hóa. Ảnh chụp lại từ ảnh TL gia đình

Tứ tử trình làng

Họa sĩ Bùi Xuân Phái coi việc đến gác Hương Lửa mỗi ngày như đi thực tế sáng tác. Hàng ngàn bức phác họa được thực hiện ở đây lấy cảm hứng từ thơ Vũ Đình Liên, người mẫu Trần Văn Lưu hay Đoàn Phú Tứ. Đây là phần quan trọng cạnh dòng Phố trong các tác phẩm của ông. 

Mỗi dịp xuân về ông Phái đều vẽ một bức áp phích chúc mừng năm mới để ông Lưu trang trí gác xép ngày Tết. Mười hai bức họa trong vòng một giáp minh chứng tình bạn bền vững. Chơi với nhau lắm cuộc cãi cọ nhưng luôn quý và trọng nhau. Khi trang trọng chắp tay hai chữ “tiên sinh”. Lúc xuề xòa ông Phái đứng cửa gọi: “Lưu ơi đi ăn sáng” khiến hàng xóm phàn nàn: “Sớm tinh mơ đã ầm ĩ. Lớn tuổi còn lấc cấc. Lý phải gọi ông Lưu hay anh Lưu mới đúng chứ” - theo lời kể của anh Nghĩa.

Những tưởng kiềng ba chân đứng mãi, ai ngờ vẫn có người chen vào. Ông Lê Chính - nhắc ở trên - dần dà thành gương mặt không thể thiếu của gác Hương Lửa. “Vai trò ông Chính rất quan trọng. Ông duy trì cho ông Phái vài vi nhét mỗi tuần để cả hội có tiền ăn sáng” - anh Nghĩa nói vui.

“Cụ Chính làm công việc lựa chọn họa sĩ minh họa và thường ưu ái cụ Phái. Hồi đó ai được chọn vẽ minh họa vừa cứu cánh về kinh tế đồng thời mở cửa ra công chúng” - anh Phương kể - “cụ Phái được biết đến là nhờ minh họa. Cuối đời mới có triển lãm cá nhân”. Cũng theo trí nhớ của anh thì: “Cụ Chính theo cách nói hiện đại là một fan cuồng của Văn Cao, đến mức để râu tóc giống Văn Cao. Đến nhà cụ Phái chơi đi cùng Văn Cao toàn bị trẻ con trêu là Văn Cao dởm”.   

Ông Chính sống có tình, được nhiều người quý mến. Ông Liên vốn chủ trương “bế quan tỏa cảng”, lại tự tay bổ sung vào hội. Lưu - Liên - Phái chuyển thành Lưu - Liên - Chính - Phái, tứ tử trình làng. 

Hiện nay gác Hương Lửa vẫn còn, là nơi lưu giữ tư liệu và kỷ niệm xưa. Còn Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ? 

Nếu mai anh đi

Cùng ai sẻ chia

Buồn vui sướng khổ

Đền văn ai giữ

Tình bạn ai nuôi

Tìm đâu chỗ ở

Nhân nghĩa, tình người!

Nhưng mà nhân nghĩa

Bất dịch bất di 

Anh, tôi cũng thế

Không đi bao giờ 

Liên Lưu Chính Phái

Bốn trụ đền thờ 

Văn hóa nhân loại

(Mấy vần thơ ngẫu hứng nhà thơ Vũ Đình Liên tặng nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu)

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.