Anh cán bộ bảo tồn loài voọc mũi hếch kết thúc công việc ở một tỉnh biên giới, lái xe một mạch về Hà Nội lúc nửa đêm để lấy "đồ nghề" rồi lại tiếp tục đi thẳng lên thị trấn nhỏ ở tỉnh Cao Bằng. Sớm hôm sau, Cảnh cùng người dẫn đường leo hơn hai tiếng thì tới nơi.
Trước mắt là một quần thể hàng trăm bông lan hài Helen đang nở màu vàng óng ả. Đi rừng hai chục năm, nhưng lần đầu tiên Cảnh gặp được bụi hoa lớn tới vậy. Anh đi một vòng, lặng người ngắm mê mải. Loài lan hài này chỉ có ở Việt Nam, sinh trưởng trên các vách núi đá vôi ở độ cao 500-800 mét, số lượng quần thể còn lại rất ít do những năm gần đây bị khai thác tận diệt. "Gặp được quần thể lan lớn đến vậy trong tự nhiên là may mắn hiếm có trong đời", anh Cảnh, 44 tuổi, cho hay.
Suốt hai tiếng sau đó, người đàn ông này chỉ chú tâm chụp ảnh bụi hoa. Trước khi lên xe trở về, Cảnh dặn đi dặn lại chàng trai người Dao dẫn đường tên Đặng Phúc Phẩm là không được khai thác quần thể này. "Anh Cảnh đã hướng dẫn người dân chúng tôi cách khai thác bền vững và bảo tồn để tương lai có thể làm du lịch sinh thái, giữ loài lan quý cho đời sau", anh Phẩm cho hay.
Chu Xuân Cảnh yêu phong lan rừng Việt Nam từ thời niên thiếu. Tới đầu những năm 2000, Cảnh đã sưu tầm được khoảng 500 giò lan, "treo kín ba mặt căn nhà tập thể" của gia đình.
Làm việc trong lĩnh vực bảo tồn động thực vật hoang dã, Cảnh đi rừng nhiều hơn. Đam mê của anh mở rộng theo hướng chụp ảnh tư liệu về các loài phong lan Việt Nam. Cứ nghe nói ở đâu có lan rừng là Cảnh đến. Bước chân anh đã đi khắp núi non trùng điệp phía Bắc, cho đến những cánh rừng nguyên sinh phía nam. Có những chuyến vào rừng già Tây Nguyên mất tới hai ngày đi bộ mới tới được địa điểm nhưng khóm lan đó chưa nở, hoặc đã bị khai thác mất rồi.
Nhưng những chuyến tay trắng ra về vẫn chưa thấm tháp gì với công sức tám năm Cảnh dành cho lan hài bóng - loài được phát hiện năm 1999, có hoa to, màu sắc sặc sỡ, chỉ tồn tại ở một xã duy nhất của một tỉnh phía Bắc. Sau vài năm phát hiện, nó bị khai thác đến tận cây con và có nguy cơ tuyệt chủng. Vì thế, một cụm nhỏ loài lan này cũng có giá hàng chục triệu đồng.
Anh Cảnh mơ ước được một lần nhìn thấy lan hài bóng trong tự nhiên. Sàng lọc thông tin từ các nguồn, anh tìm ra những người dân bản khai thác loài lan này nhưng tìm đến nơi thì không thể gặp được họ hoặc họ nói "không thấy nữa". Kết thân với những người buôn lan, Cảnh biết một người đã chi hàng trăm triệu đồng mua lan hài bóng nhằm lưu giữ những cây cuối cùng để không bị đưa ra nước ngoài. Chủ vườn này đồng ý dẫn Cảnh đến gặp người bán lan cho mình. Suốt ba năm tiếp theo, Cảnh thuyết phục người dân bản này bằng việc cho họ xem bộ sưu tập ảnh hoa lan mình chụp trong rừng và cam kết chỉ chụp ảnh chứ không để lộ thông tin gì về địa điểm. Nhưng người đó vẫn từ chối.
Mãi năm 2017, người này mới đồng ý dẫn đi. Khi tới nơi, Chu Xuân Cảnh vô cùng ngạc nhiên bởi "cây lan mọc ở lừng chừng núi, độ cao thấp và rất gần dân". Từ đó, mỗi năm anh Cảnh lại xin được tới thăm cụm lan này để chụp độ lớn của nó. Tới nay, trong hơn 30 loài lan hài ở Việt Nam, đây là loài duy nhất Cảnh chưa chụp được hoa nở ngoài tự nhiên.
Trong số những người yêu phong lan rừng, Chu Xuân Cảnh là một trong số ít người ở Việt Nam may mắn phát hiện được loài lan chưa ai biết. Đó là loài lan hài rất lạ, cánh hoa nhỏ, mỏng manh khác hẳn với những loài mọi người thường biết.
Anh liên hệ nhiều người chơi lan và các chuyên gia trong ngoài nước để khẳng định đây là loài lan chưa hề được mô tả và công bố. Tháng 5/2010, Hiệp hội lan Mỹ (AOS) công bố trên tạp chí của họ loài lan anh Cảnh tìm ra với tên khoa học Paphiopedilum canhii (Paphiopedilum là họ của loài, canhii là tên loài - đặt theo tên người tìm ra). Người chơi lan Việt Nam gọi đơn giản là "hài Cảnh".
Thời điểm công bố loài lan này gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới sinh học thế giới vì Cảnh cùng những người tâm huyết thống nhất không cung cấp tọa độ nơi loài lan sinh trưởng. Họ tin rằng, khi lộ địa điểm chính xác, lan hài Cảnh sẽ thành miếng mồi ngon cho những kẻ trục lợi. Một số trang web đã chào bán cây lan này với giá 300-500 USD một cây con.
Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối, Cảnh sẵn sàng trình ra bằng chứng và khi cần có thể dẫn nhà khoa học tới nơi loài hoa đó đang sinh sống nếu họ có đủ giấy tờ mà chính quyền cho phép, cuối cùng quan điểm của anh đã thắng.
Gần như toàn bộ các ngày nghỉ của Chu Xuân Cảnh đều dành cho những chuyến đi rừng. Không ít lần vì mải ngắm lan, anh gặp tai nạn. Năm 2010, anh một tổ ong rừng rất to tấn công và may mắn chạy được vào một hang đá mới thoát nạn. Song bận ấy vẫn chưa là gì với lần đi rừng Hòa Bình năm 2015. Khi đang mải chụp một bụi hài Hecman, Cảnh bám vào một tảng đá. Nó bất ngờ lăn xuống, anh chỉ kịp đẩy để có lực ngã sang một bên. Máy ảnh rơi vỡ, còn anh trượt vào một hố, chân đau điếng tưởng như không đi được nữa.
"Mọi người gọi Cảnh là 'thằng điên'. Người ta vào rừng lấy lan, còn cậu ấy vào rừng chụp ảnh lan và mang lan vào trồng", anh Lê Đăng Huyền, công tác tại Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, một người đồng hành với Cảnh trong nhiều chuyến đi rừng chụp ảnh, chia sẻ.
Từ năm 2012, Cảnh đã mua lan ở chợ Bưởi, chợ Đền Lừ, hoặc các chợ vùng cao, rồi mang về đúng điều kiện tự nhiên để trồng. Trong số này anh trồng nhiều nhất loài hài kim ở khu vực biên giới, độ cao 1.500 mét trở lên. Hài kim ưa khô, nhưng lại thích ẩm sương đêm và sống trên cây, khác biệt với đại đa số lan hài sống dưới đất. Cảnh đã thử nghiệm trồng cả trên cây và dưới đất. Năm sau anh quay lại, hạnh phúc thấy chúng đã sinh trưởng tốt và chưa bị ai đó lấy đi.
Qua Internet hoặc trong các tạp chí chuyên ngành, những bức ảnh hoa lan rừng của Chu Xuân Cảnh gây ngạc nhiên cho người đam mê hoa lan trên toàn thế giới. "Dù ở trên các vách đá hay những khu vực gần như không thể tiếp cận, anh ấy luôn tìm cơ hội để chụp ảnh các loài lan nở ở đó", ông Olaf Guss, người Đức, chuyên gia hàng đầu thế giới về lan hài, nói. "Anh ấy còn là người quảng bá không mệt mỏi cho vẻ đẹp của đất nước mình, đặc biệt là hệ thực vật đa dạng", ông nói thêm.
Lan là loài có hạt nhỏ như cám, có thể phát tán theo gió bay rất xa, nhưng do không có nội nhũ mà khó nảy mầm trong tự nhiên. Hồi tháng 11, Chu Xuân Cảnh quay trở lại vùng biên giới Lào Cai. Bụi lan anh trồng 7 năm trước đã rất to và nở hoa trở lại. Chắc chắn hạt hoa đã phát tán đi muôn nơi.
"Tôi đang mong chờ những mầm mới sinh sôi", Cảnh cười nhẹ trước thềm năm mới.