Facebook, Google đặt văn phòng ở Việt Nam: Phù hợp thông lệ quốc tế?

Việt Nam đang phải đối mặt với bốn thách thức lớn về an ninh mạng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Việt Nam đang phải đối mặt với bốn thách thức lớn về an ninh mạng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Theo cơ quan soạn thảo Luật An ninh mạng, việc cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng như Facebook, Google phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam là phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo tính khả thi.

18 quốc gia quy định lưu trữ dữ liệu

Đây là vấn đề nhận được ý kiến trái chiều trong Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo, được Quốc hội lấy ý kiến hôm qua (29/5). Lý giải về quy định này, cơ quan soạn thảo- Bộ Công an, trong tài liệu gửi đến các Đại biểu Quốc hội cho biết, đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước như Mỹ, Canada, Nga, Pháp, Đức, Úc. Nhiều quốc gia còn áp dụng phương pháp quyết liệt hơn như truy tố trong phỉ báng hoàng gia (Thái Lan), phạt tiền tới 60 triệu USD (Đức), yêu cầu thành lập trung tâm giải quyết tin tức xấu (châu Âu).

Theo cơ quan soạn thảo, quy định này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Facebook, Google là nền tảng phát tán thông tin với nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên do không có dữ liệu quản lý và đầu mối liên hệ (văn phòng đại diện) tại Việt Nam nên chưa có cơ sở pháp lý cũng như điều kiện để áp dụng các biện pháp quản lý Nhà nước. Trong trường hợp cần sự phối hợp để xác minh thông tin, dữ liệu như email gửi đi, gửi đến, nội dung inbox… thì sự phối hợp của cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng là hạn chế, thậm chí thiếu thiện chí khi liên tục viện dẫn pháp luật Mỹ hoặc đề nghị Chính phủ Việt Nam có trao đổi với Chính phủ Mỹ để được cung cấp thông tin, dữ liệu.

Quy định này cũng sẽ đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, một số cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng có hoạt động phát sinh lợi nhuận như Facebook (đứng số 1 về doanh thu trực tuyến tại VN với khoảng 3.000 tỷ đồng), Google (2.200 tỷ đồng) nhưng lại không thành lập văn phòng đại diện, không chịu sự quản lý của Nhà nước và không nộp thuế với các khoản lợi nhuận kinh doanh thu được. Ngoài ra, quy định này cũng sẽ giúp bảo vệ chặt chẽ dữ liệu người dùng, quyền riêng tư. Hiện nay các doanh nghiệp như Facebook, Google thu thập rất nhiều dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý và biện pháp để đảm bảo việc lưu trữ và khai thác dữ liệu đúng mục đích, hạn chế được những sự cố như vụ việc 87 triệu tài khoản FB bị lạm dụng vào mục đích chính trị, trong đó có 427.000 tài khoản của Việt Nam.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, quy định này không trái với các quy định trong những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như lo ngại của nhiều người, đồng thời khả thi trong thực tế khi Facebook đã đặt 80 văn phòng đại diện ở các quốc gia, vùng lãnh thổ còn Google là 70 văn phòng đại diện. Riêng khu vực Đông Nam Á, Facebook, Google mở văn phòng đại diện tại Singapore, Indonesia, Malaysia.

Không cản trở doanh nghiệp nước ngoài

Theo tài liệu Bộ Công an cung cấp Đại biểu Quốc hội, không một điều khoản nào của Luật An ninh mạng quy định ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, tham gia vào hoạt động nền kinh tế Việt Nam. Ý kiến cho rằng, quy định của Luật cản trở doanh nghiệp nước ngoài xuất phát từ lợi ích kinh doanh, không muốn chịu sự quản lý của pháp luật nước sở tại, không muốn đóng thuế và chịu các nghĩa vụ liên quan của một số doanh nghiệp. Con số “có thể giảm 1,7% GDP và giảm 3,1% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi hạn chế dòng chảy dữ liệu gây hậu quả đến phát triển kinh tế” là chưa chính xác. Đây là số liệu do Trung tâm nghiên cứu kinh tế chính trị châu Âu công bố tại Báo cáo “Những cái giá của địa phương hóa dữ liệu: hành động phá hoại phục hồi kinh tế” cách đây 4 năm. Công bố này dựa trên những kịch bản tiêu cực nhất không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn với Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Brazil, dự báo GDP và đầu tư nước ngoài của tất cả các quốc gia này đều giảm. Tuy nhiên, thực tế chứng minh dự báo này không chính xác.

Theo cơ quan chức năng, Việt Nam đang phải đối mặt với bốn thách thức lớn về an ninh mạng gồm mạng xã hội đang tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Hai là, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, bên cạnh lợi ích mang lại cũng gây nên thảm họa nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ba là, các thiết bị kết nối internet có thể bị sử dụng để tiến hành tấn công mạng quy mô lớn và các cuộc tấn công mạng có chủ đích không chỉ phá hoại mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành luật an ninh mạng là cần thiết.

MỚI - NÓNG