An ninh mạng để quản chứ không phải cấm

Hàng triệu người Việt Nam đang sử dụng dịch vụ Google. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hàng triệu người Việt Nam đang sử dụng dịch vụ Google. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Chiều 13/11, thảo luận về Dự thảo Luật An ninh mạng, các đại biểu đã bày tỏ nhiều băn khoăn xung quanh quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Không nhất thiết phải yêu cầu đặt máy chủ

Theo ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM), quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet phải đặt máy chủ tại Việt Nam như dự thảo luật đang khiến dư luận rất nóng. “Trước đây Luật Viễn thông và các nghị định có liên quan nói rõ nhà cung cấp dịch vụ internet, viễn thông là dịch vụ kết nối, truy cập internet. Quy định như vậy ổn, vì tách bạch được việc cung cấp dịch vụ internet và cung cấp các dịch vụ sử dụng trên nền tảng internet. Nếu hiểu theo cách này thì điều 34 là ổn nhưng vấn đề là dự luật lại không diễn giải rõ ý này, nên không biết hiểu theo cách nào”, ông Dũng thắc mắc.

Theo ông Dũng, nếu hiểu cách diễn giải bao trùm theo ý, Google, Facebook, Amazon... đều phải đặt máy chủ ở Việt Nam, thì sẽ không ổn. Chẳng lẽ Facebook có mặt ở 200 nước thì phải đặt máy chủ ở cả 200 nước hay sao? Như thế thì không tập đoàn, công ty nào chịu nổi chi phí nhân lực. Ngay cả chúng ta cũng lập trung tâm hành chính tập trung thì sao đòi hỏi họ phải rải máy chủ ra khắp nơi?”, ông Dũng nói.

Về mặt kỹ thuật, ông Dũng ủng hộ biện pháp phải quản lý chặt chẽ, tuy nhiên không nên cứng nhắc. “Ông đặt máy chủ ở Mỹ cũng được nhưng tôi phải có quyền quản lý, phải nắm được bao nhiêu người đang sử dụng dịch vụ đó ở Việt Nam, mà điều đó thì không cần phải đặt máy chủ ở Việt Nam mới làm được”, ông Dũng nói.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cũng cho rằng, quy định như vậy rất bất hợp lý. Vì về kỹ thuật, các máy chủ phải đặt ở vị trí có nhiệt độ ôn hòa, không có khuynh hướng đặt máy chủ ở xứ nhiệt đới.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), luật này ban hành để 100 triệu dân Việt Nam thực hiện, chưa kể cả triệu người nước ngoài ở Việt Nam, rồi cả thế giới nên rất quan trọng. Hơn nữa đây là thời đại 4.0, trong đó công nghệ đóng vai trò chủ đạo.

Buộc đặt máy chủ để xử lý thông tin “nhạy cảm”

Trái với các quan điểm trên, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lại ủng bộ với việc tăng cường quản lý, ngăn chặn thông xin xấu độc. “Luật An ninh mạng cần ngăn chặn hành vi thông tin xấu độc và phải phạt nặng hành vi lừa đảo người tiêu dùng Việt Nam, cũng như có biện pháp quản lý tốt nhất, chặt chẽ thông tin của các nhà cung cấp Facebook, Goolge”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, nếu việc cung cấp thông tin mang tính chất nhạy cảm về chính trị thì nhất thiết phải đặt máy chủ ở Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đánh giá, tình hình an ninh mạng đang rất phức tạp, “Facebook, các trang mạng nói linh tinh, không tha một ai nhưng xử lý rất hạn chế… Thực tế không có, nhưng dân nghe nhiều lại thành tin”, ông Lâm nêu. Ông Lâm cũng băn khoăn về điều khoản quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet vì thực tế thực hiện không phải dễ.

Tuy nhiên, ông Vũ Trọng Kim lưu ý, “xã hội nhờ mạng xã hội, internet để phát triển. Có đồng chí nói với tôi, có những điều trước đây và hiện không nói được trên báo chính thống thì nói được trên mạng xã hội. Bây giờ nhờ có mạng, dân chủ rộng rãi hơn nhưng lại khó quản lý”, ông Kim nói.

An ninh mạng để quản chứ không phải cấm ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm.

Internet, dòng chảy không thể cản trở

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, internet. Mạng đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống, giúp năng suất lao động tăng cao, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, xã hội. Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin mạng, internet vì bất kể lý do gì.

“Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới. Nhu cầu ứng dụng tiến bộ của công nghệ là một xu thế không thể cưỡng lại”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong cuộc chơi chung đó cũng bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu chúng ta không làm chủ được. Do đó phát triển đến đâu, an ninh an toàn phải đi theo đến đấy, phải song hành được với nhau.

“Chúng tôi quan niệm với nhau, dòng chảy của thông tin mạng giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu đó, hệ tuần hoàn càng lưu thông được, càng phát triển tốt thì cơ thể chúng ta càng khỏe mạnh, chúng ta không thể ngăn được dòng tuần hoàn đó, nó phải phát triển lên vì giúp nuôi sống con người, cung cấp thông tin để chúng ta tiến bộ”, Thượng tướng Tô Lâm nói.

 Tuy nhiên, theo Thượng tướng Tô Lâm, vấn đề an ninh, an toàn ở đây là làm sao để hệ tuần hoàn đó không bị nghẽn mạch, không bị đột quỵ. “Trên thực tế, rất nhiều người nói hệ thống thông tin của chúng ta không an toàn vì có nhiều thông tin độc hại, thì phải xử lý thế nào để thanh lọc nó chúng ta mới khỏe mạnh được. Đấy là mục tiêu chúng tôi xây dựng luật”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Sức khỏe lãnh đạo Đảng, Nhà nước có phải là bí mật?

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Phó chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách Bùi Đặng Dũng đặt vấn đề: Sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước có phải là bí mật không, có phải là bí mật nhà nước không? Theo ông Dũng, nếu là bí mật nhà nước thì phải thực hiện theo đúng tính chất của bí mật nhà nước, còn không phải thì chúng ta hoàn toàn công khai.

MỚI - NÓNG