Cần tôn trọng luật pháp quốc tế
Thay mặt EU, người phụ trách chính sách đối ngoại của khối, bà Federica Mogherini, ra tuyên bố ngày 15/7 sau khi 28 nước thành viên EU không đồng thuận về lập trường chung đối với vấn đề liên quan Trung Quốc. Ba nước thành viên EU, gồm Croatia, Hungary và Hy Lạp, không muốn EU ra tuyên bố về phán quyết của Tòa Trọng tài, AP đưa tin. Một số nước châu Âu lo ngại rằng, chỉ trích, lên án Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ kinh tế của họ với đất nước đông dân nhất thế giới, các nhà ngoại giao cho biết. Cuối cùng, bà Mogherini ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, cũng như của việc bảo đảm quyền tự do đi lại của tàu thuyền trên biển và tự do bay ở vùng trời phía trên.
“Các bên cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của mình và theo đuổi chúng theo cách tôn trọng và phù hợp luật pháp quốc tế. EU cũng nhấn mạnh ý nghĩa cực kỳ quan trọng của việc duy trì quyền tự do, quyền lợi và nghĩa vụ được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đặc biệt là tự do hải hành và tự do bay”, Tuyên bố viết.
Các nhà phân tích nhận xét, việc một số nước thành viên không muốn EU ra tuyên bố về phán quyết của Tòa Trọng tài là một nỗi xấu hổ lớn của khối. Xưa nay, trong hầu hết quan điểm đối ngoại của mình, EU luôn ưu tiên ủng hộ luật pháp quốc tế và Liên Hợp Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên sự khác biệt về mức độ tương tác của các thành viên EU với Trung Quốc được phơi bày chi tiết trong bối cảnh nước này ngày càng lớn mạnh và có các hành động ngày càng quyết đoán, thậm chí khiêu khích, trong khu vực, đặc biệt là trên biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Yves Le Drian nói rằng, chính phủ Pháp sẽ thúc giục các nước EU đảm bảo rằng, lực lượng hải quân của họ duy trì sự hiện diện đáng kể ở biển Đông và làm việc để bảo vệ tự do đi lại qua khu vực này. Tuy nhiên, nhiều nước EU cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở châu Âu vẫn èo uột, tác động tiêu cực của việc Anh ra khỏi EU sẽ kéo dài. Các nhà ngoại giao Hy Lạp công nhận rằng, họ đã thảo luận vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài với các quan chức cấp cao của Trung Quốc trong chuyến thăm 5 ngày của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tới Bắc Kinh mới đây.
Nhật Bản, Philippines mạnh mẽ lên tiếng
Ngày 15/7, trong cuộc gặp kéo dài gần nửa tiếng bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) tại Mông Cổ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng, quan điểm của ông là trật tự quốc tế phải dựa trên luật lệ, Kyodo đưa tin. Thủ tướng Abe đưa ra quan điểm của mình trong bối cảnh Tòa Trọng tài mới đây ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura nói rằng, trong cuộc gặp với ông Lý, Thủ tướng Abe “tái khẳng định các quan điểm cơ bản liên quan biển Đông”. Quan điểm xưa nay của Tokyo là các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình, theo luật pháp. “Tình hình biển Đông là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7 là chung thẩm và có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan tranh chấp”, ông Kawamura nói với báo giới.
Hôm qua, tại Hội nghị cấp cao Á-Âu, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu, Manila thực sự tôn trọng “quyết định mang tính mốc son” (phán quyết của Tòa Trọng tài), đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, Inquirer đưa tin. “Philippines sẽ tiếp tục cùng với các bên liên quan tìm cách giảm căng thẳng khu vực, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau”, ông Yasay nói.
Cùng ngày, luật sư trưởng của Philippines, ông Jose Calida, nói rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài là “vinh quang tột đỉnh của luật pháp quốc tế”, Philstar đưa tin. “Nó (phán quyết) khẳng định rằng, không một nhà nước nào có thể yêu sách gần như toàn bộ cả một biển. Phán quyết là chiến thắng lịch sử không chỉ đối với Philippines... Nó làm sống dậy niềm tin của nhân loại vào một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ”, luật sư số một của Philippines nói tại một diễn đàn về biển Đông. Theo ông, phán quyết của Tòa mở ra một chân trời các khả năng đối với tất cả các bên liên quan.
Trước đó, hôm 14/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông muốn đối thoại với Trung Quốc vì “chiến tranh không phải là một sự lựa chọn”. Ông đang cân nhắc cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Bắc Kinh để bắc nhịp cầu đối thoại. Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, sẽ thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc Ngô Thắng Lợi về vấn đề biển Đông, hợp tác quân sự Mỹ-Trung trong chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Kinh, bắt đầu từ Chủ nhật tới, CNN ngày 15/7 dẫn tuyên bố của Hải quân Mỹ.
Ngày 15/7, báo chí Trung Quốc đưa tin, Bắc Kinh có kế hoạch phát triển một loạt cơ sở điện hạt nhân ngoài khơi nhằm thúc đẩy phát triển ở biển Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kế hoạch này sẽ khiến căng thẳng khu vực leo thang, AP đưa tin.