Ðêm phán quyết cuộc chiến Anh - Tây Ban Nha

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nếu có thế lực nào đó đủ mạnh để cản bước tiến của các CLB Anh, chỉ có thể là người Tây Ban Nha. Duyên nợ khiến cả hai đối đầu một lần nữa, trong đêm phán quyết ngôi vị bá chủ châu Âu.
Ðêm phán quyết cuộc chiến Anh - Tây Ban Nha ảnh 1
Real đã đánh bại Liverpool trong trận chung kết Champions League Anh - Tây Ban Nha gần nhất. Ảnh: Getty Images

Trận chung kết Champions League 2021/2022 giữa Real Madrid và Liverpool, diễn ra từ 2h sáng 29/5 (giờ Việt Nam), không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai đội bóng mạnh nhất châu Âu hiện tại, đồng thời tự hào là những người viết nên lịch sử giải đấu với tổng cộng 19 danh hiệu vô địch cùng vô số khoảnh khắc kinh điển tạo ra. Đây còn là cuộc chiến giữa hai nền bóng đá luôn cạnh tranh ngôi vị số một, đồng thời tạo nên tranh cãi dai dẳng, rằng Premier League và La Liga, đâu mới là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.

Nếu nhìn vào thống kê, rõ ràng Tây Ban Nha đang áp đảo với 18 lần vô địch C1/Champions League, trong khi Anh chỉ có 14. Để nhấn mạnh sự vượt trội, các CLB La Liga đã đánh bại những đội đến từ Premier League ở 4 trận chung kết. Chức vô địch gần nhất của họ cũng là trước người Anh (Real 3-1 Liverpool năm 2018).

Thật ra con số này chỉ nói lên một phần câu chuyện. Thực tế là người Anh đã vắng mặt trong 5 năm cuối thập niên 1980 vì thảm họa Heysel, và trước đó, bỏ lỡ giai đoạn sơ khởi của Cúp châu Âu. C1/Champions League ra đời bởi ý tưởng của Gabriel Hanot, phóng viên tờ L’Equipe. Hồi đó, người Anh tuyên bố CLB Wolves là nhà vô địch thế giới sau chiến thắng Honved của Ferenc Puskas ở một trận giao hữu. Vì vậy, Hanot đề xuất một giải đấu quy tụ những đội bóng hàng đầu châu Âu nhằm tìm ra đội vô địch thực sự.

Hiệp hội Bóng đá Anh, với sự tự cao tự đại của những người phát minh ra bóng đá, cấm các CLB tham gia và mô tả giải đấu là “một trò đùa”, “sẽ chết yểu trong 9 ngày”.

C1/Champions League đã không chết. Sau 66 năm tồn tại, nó trở thành giải đấu quy tụ những tinh hoa, là ước mơ của mọi CLB, bao gồm những đội Premier League. Tương tự những nơi khác, người Anh coi nó là bước cuối cùng, xác tín cho sự vĩ đại của mình. Sir Alex Ferguson nói rằng 3 chức vô địch là quá ít so với tầm vóc của MU, còn Man City sẽ không bao giờ lọt vào hàng ngũ các CLB lớn nhất châu Âu cho đến khi bước lên bục vinh quang.

Điều đáng buồn là trong kỷ nguyên hiện đại, ngay cả khi Premier League bùng nổ thành một giải đấu giàu có, tập hợp những HLV giỏi nhất cùng các ngôi sao lớn nhất của ngành công nghiệp bóng đá, họ vẫn không thể áp đặt sự thống trị tuyệt đối lên Lục địa già. Vật cản chính là La Liga. Kể từ năm 2000 đến nay, các CLB Tây Ban Nha 10 lần vô địch châu Âu, nhiều gấp đôi so với những gì nước Anh làm được.

Đã có sự thay đổi lớn trong vài năm trở lại đây, khi nước Anh có đại diện ở 4/5 trận chung kết gần nhất, thậm chí tạo nên 2 trận chung kết toàn Anh. Họ bắt đầu nghĩ về một kỷ nguyên rực rỡ hơn giai đoạn 2005-2012 và tái hiện thời kỳ bá chủ châu Âu hồi cuối thập niên 1970, đầu 1980.

Tuy nhiên giấc mơ đó có thành hiện thực hay không thì còn phải chờ. Phán quyết sẽ đến trong trận chung kết giữa Liverpool và Real, đại diện khó chịu nhất của Tây Ban Nha, cũng là ông chủ thực sự của C1/Champions League. Dù ở thời điểm tồi tệ nhất với tiêu chuẩn thấp nhất, Los Blancos vẫn có thể tạo nên những khoảnh khắc kỳ lạ biến họ thành những nhà vô địch. Mùa này, Chelsea và Man City, hai đội bóng ưu tú của Premier League đã gục ngã trước Real. Vậy Liverpool, thành trì cuối cùng của nước Anh ở châu Âu, thì sao?

MỚI - NÓNG